Theo đó, Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở Hà Nội và TPHCM có mức điểm nhận hồ sơ khối A là 22,5 điểm, các khối còn lại là 21,5 điểm. Riêng khối D02 của tiếng Nga là 20,5 điểm. Cơ sở Quảng Ninh có mức điểm nhận hồ sơ là 18 điểm.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân có ngưỡng điểm nhận hồ sơ là 18 điểm cho tất cả các ngành, cao hơn 1 điểm so với năm 2016 và cao hơn 2,5 điểm so với mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân Bùi Đức Triệu khuyến nghị, mức điểm đăng ký vào trường an toàn nhất là 20.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển năm nay sẽ chia làm 2 nhóm: nhóm gồm các chương trình đào tạo quốc tế, sẽ có mức điểm nhận hồ sơ từ 18-20 điểm (chỉ tiêu của nhóm này rất ít, chỉ khoảng 10% tổng chỉ tiêu của trường); nhóm ngành đại trà còn lại sẽ có mức điểm nhận hồ sơ từ 21 điểm trở lên. Một số ngành sẽ có mức điểm là 22-23 điểm, thậm chí có ngành có thể lên tới 24 điểm. Vì vậy, thí sinh dưới 21 điểm nên chọn trường khác đăng ký xét tuyển để tăng cơ hội đỗ.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ngày 14-7, trường sẽ có công bố chính thức mức điểm nhận hồ sơ theo từng ngành.
Học viện Ngân hàng cơ sở Hà Nội chỉ xét tuyển thí sinh đạt từ 17,5 điểm trở lên; cơ sở Bắc Ninh và Phú Yên nhận hồ sơ từ 15,5 điểm, bằng mức điểm sàn Bộ GD-ĐT.
Đại học Thương mại từ 17,5 điểm.
Ông Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội (một trong những trường có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển cao nhất cả nước) cho biết trường đã dự kiến điểm nhận hồ sơ xét tuyển tương đương năm 2016, tức ở 3 mức 16, 17 và 18 điểm tùy từng ngành.
Với khoảng 79.000 tổng nguyện vọng đăng ký, khoảng trên 30.000 nguyện vọng 1, 2, 3 (chỉ tiêu ĐH chính quy của trường là 6.700 chỉ tiêu), ông Phạm Văn Bổng dự kiến, điểm trúng tuyển vào trường năm nay có thể tăng, giảm một chút tùy ngành.
Một số trường có mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT là 15,5 như Đại học Hà Nội; Đại học Thủy lợi...
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo đại học và sau đại học, Trường ĐH Thủy lợi cho biết, mức điểm chuẩn vào trường cũng dự kiến không biến động nhiều so với năm trước. Mức điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Thủy lợi 2 năm gần đây gần như ngang nhau, những ngành hot điểm luôn ở mức cao, ngành ít hot thì điểm thấp hơn. Có thể mức điểm chuẩn năm nay sẽ tăng khoảng 0,5 điểm với một số ngành như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện - điện tử, Kỹ thuật cơ khí, Kế toán, Quản trị kinh doanh (những ngành này năm trước giao động từ 19 - 20 điểm). Trong khi đó, một số ngành truyền thống như Kỹ thuật tài nguyên nước, Cấp thoát nước... điểm chuẩn có thể giảm một chút.
Còn Trường ĐH Hà Nội công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận đăng ký xét tuyển là thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia có tổng điểm 3 môn thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ hoặc Toán, Vật lý, Tiếng Anh đạt 15,5 điểm trở lên (theo thang điểm 10, chưa nhân hệ số). Tổng điểm để xét tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên (nếu có) và điểm của môn thi chính đã nhân hệ số 2, xếp từ cao xuống thấp. Trường xét tuyển nhiều đợt cho đến hết chỉ tiêu của từng ngành, theo nguyên tắc từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TPHCM cho biết, điểm nhận hồ sơ ở 2 phân hiệu đào tạo của trường tại Gia Lai và Ninh Thuận sẽ bằng điểm sàn 15,5 điểm. Đối với cơ sở chính tại TPHCM, trường sẽ có 3 mức điểm xét tuyển là 17 điểm, 18 điểm và 20 điểm, tùy theo nhóm ngành. Đối với ngành Ngôn ngữ Anh, môn chính là Tiếng Anh (nhân hệ số 2) và được quy về hệ điểm 30 dành cho tổ hợp môn xét tuyển.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thông báo điểm nhận hồ sơ của tất cả các ngành đào tạo là 15,5 điểm, riêng ngành Dược lấy 18 điểm, ngành Răng - Hàm - Mặt 21 điểm, các ngành năng khiếu lấy 15,5 điểm (môn năng khiếu hệ số 1) hoặc 20 điểm (môn năng khiếu hệ số 2). Tổng chỉ tiêu của trường là 3.250, trong đó một nửa tuyển sinh theo phương thức xét kết quả thi THPT, còn lại là xét học bạ.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tất cả các ngành đều có điểm xét tuyển là 15,5 điểm. Riêng ngành Bác sĩ dự phòng mức điểm xét tuyển từ 18 điểm trở lên.
Trường ĐH Văn Hiến điểm xét tuyển là 15,5 điểm. Đối với ngành năng khiếu, ngoài tổ chức thi riêng các môn năng khiếu thì xét kết quả thi THPT quốc gia 2017 môn Ngữ văn phải đạt 5 điểm trở lên.
Trường ĐH Luật TPHCM thông báo thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào trường. Trường xét tuyển qua 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Thực hiện sơ tuyển căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia 2017 của thí sinh (chiếm tỷ trọng 50% điểm trúng tuyển) và điểm học bạ của thí sinh trong 3 năm học THPT (chiếm tỷ trọng 10% điểm trúng tuyển). Kết quả, có 4.018 thí sinh vượt qua giai đoạn sơ tuyển này. Điểm xét tuyển (đã bao gồm điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng) của các tổ hợp trong Kỳ thi THPT quốc gia là khác nhau đối với từng ngành mà thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Giai đoạn 2: Các thí sinh đủ điều kiện ở giai đoạn 1 được tham gia kỳ kiểm tra năng lực vào sáng ngày 16-7. Cấu trúc đề kiểm tra năng lực bao gồm 4 nhóm kiến thức như kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân), kiến thức về pháp luật, tư duy lôgic và khả năng lập luận.
Hình thức bài kiểm tra năng lực là trắc nghiệm trên giấy với thời gian làm bài 75 phút. Số câu hỏi của bài thi là 100 câu. Thang điểm của đề kiểm tra năng lực theo thang điểm 30.
Ngày 19-7 trường sẽ công bố kết quả bài kiểm tra đánh giá năng lực và điểm trúng tuyển.
Như vậy, ngay sau khi trường công bố điểm xét tuyển và danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển, những thí sinh không trúng tuyển hoặc trúng tuyển nhưng không còn nguyện vọng theo học tại Trường ĐH Luật TPHCM sẽ còn thời gian điều chỉnh nguyện vọng vào các trường khác.
Thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học từ ngày 19-7 đến ngày 26-7, thí sinh trúng tuyển phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 cho nhà trường thông qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại trường.