Theo đó, bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bị đề nghị tuyên phạt mức án cao nhất 15-16 năm tù về hành vi “Buôn lậu”.
Cùng tội danh với bị cáo Ánh, bị cáo Đỗ Quốc Huy (Giám đốc Bán hàng Công ty Nhật Cường) bị đề nghị mức án 13-14 năm.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế Toán trưởng Công ty Nhật Cường) bị đề nghị 4-5 năm tù cho hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong vụ án này, sau khi xét hỏi các bị cáo, Viện Kiểm sát đánh giá, hành vi của các bị cáo xâm hại đến chính sách quản lý kinh tế đất nước trong lĩnh vực nhập khẩu và kế toán. Bị cáo Trần Ngọc Ánh biết rõ Công ty Nhật Cường nhập lậu hàng hoá là điện thoại, thiết bị điện tử để bán ra thị trường, hưởng lợi bất chính. Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Ánh giữ vai trò tích cực, chỉ sau bị can Huy.
Viện Kiểm sát cũng cho rằng, bị cáo Vũ Quốc Huy giữ vai trò đồng phạm, trực tiếp cùng Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, đang bỏ trốn) buôn lậu. Bị cáo cũng thuộc trường hợp phạm 2 lần trở lên. Trước đó, bị cáo Ánh được nhận định là người phạm tội 2 lần trở lên.
Trước đó, quá trình xét hỏi và các tài liệu thể hiện, từ tháng 1-2014 đến 5-2019, Bùi Quang Huy đã trực tiếp và chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên công ty thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số hơn 2.500 đơn hàng với hơn 255.000 sản phẩm có tổng giá trị thanh toán hơn 2.900 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hồng Kông, Trung Quốc.
Sau đó, Huy đã trực tiếp liên hệ, thỏa thuận thuê các đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ. Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy đã tiêu thụ được hơn 254.000 sản phẩm, thu lợi bất chính hơn 220 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát khẳng định, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết giữa các bị cáo trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, Bùi Quang Huy là người chỉ huy, tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu tại Công ty Nhật Cường.