Mùa xuân yêu thương

Mùa Xuân 2024 - năm Giáp Thìn đang đến trong bối cảnh trên thế giới, kinh tế thị trường đang thúc đẩy các nguồn lực phát triển kinh tế mạnh mẽ với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Có thể nói, con người ngày nay đã có một cuộc sống vật chất tốt hơn rất nhiều so với những thế hệ trước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức ba diễn biến cơ bản ở phía sau bức tranh kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại để hướng tới một tương lai bền vững hơn.

1. Ham muốn của con người, nhất là nhu cầu tiêu dùng vẫn là động lực mạnh mẽ nhất trong xã hội hiện đại của chúng ta. Loại bỏ những biểu hiện ham muốn này và cuộc sống con người như chúng ta biết sẽ không còn tồn tại. Văn hóa của chúng ta nói chung và nền kinh tế của chúng ta nói riêng được xây dựng dựa trên mong muốn có được những thứ và trải nghiệm mà chúng ta không có.

2. Trong thế giới hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, khi kiến thức ngày càng gia tăng và lan tỏa tạo ra những hiệu ứng tích cực thì con người dường như ích kỷ và tham lam hơn thời xưa. Lòng tham khiến con người xa lánh những con người khác dẫn đến xu hướng suy giảm lòng tin và tình yêu cũng như xu hướng ích kỷ ngày càng gia tăng của con người trên khắp thế giới. Lòng tham là dùng để định nghĩa những ham muốn quá mức về tiền bạc và những thứ mà tiền có thể mua được. Lòng tham làm cho con người và nguồn vốn xã hội phát triển theo hướng tiêu cực tác động vào cả ba chủ thể (chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng) trong nền kinh tế thị trường thông qua các biểu hiện suy thoái của văn hóa gia đình - xã hội, đạo đức kinh doanh và liêm chính của quan chức…

3. Nguồn vốn xã hội là lợi thế cạnh tranh của quốc gia được tạo ra dựa trên cách một cá nhân kết nối với người khác, bao gồm cấu trúc, thể chế, mạng lưới và các mối quan hệ (gia đình, làng xóm, cộng đồng, doanh nghiệp, công đoàn, tổ chức chính trị-xã hội tự nguyện, hệ thống luật pháp/chính trị, tôn giáo…). Các thể chế chính thức, chẳng hạn như chính phủ và thị trường, đòi hỏi phải có nền tảng của các mối quan hệ kết nối xã hội để hoạt động. Không có mức độ tin cậy xã hội nhất định, không có chuẩn mực về hành vi phù hợp, không có thể chế mạnh mẽ đề cao các giá trị tiến bộ và tiêu chuẩn thống nhất thì cả nền dân chủ và nền kinh tế sẽ không phát triển được.

Qua các diễn biến trên, có thể thấy sức mạnh của tham vọng và ham muốn của con người cũng như vai trò của sự kết nối xã hội trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, thực tế cuộc sống cũng còn nhiều hậu quả ngoài ý muốn xuất phát từ lòng tham con người và sự bất cập trong việc phát triển các nguồn vốn xã hội. Các nhà kinh tế cho rằng có hai thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt hiện nay đang đe dọa mọi thứ chúng ta mong muốn trong tương lai và đặt thế giới trước khả năng thay đổi “phi tuyến tính” có thể dẫn tới sự sụp đổ kinh tế toàn cầu:

Thứ nhất, nền tảng sinh học của nền văn minh nhân loại của chúng ta hiện đang gặp rủi ro.

Thứ hai, sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn ngay cả ở những quốc gia giàu nhất thế giới.

a3c-1335.jpg
Gia đình 3 thế hệ của anh Lê Anh Khoa, quận 3 tham quan vườn hoa hướng dương tại Công viên bờ sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Việc xây dựng lại niềm tin và chuẩn mực con người và các thể chế, cấu trúc xã hội để tạo nên một xã hội vững mạnh là điều vô cùng khó khăn. Niềm tin, chuẩn mực và thể chế dễ bị phá hủy (chủ yếu do sự tham lam của con người) hơn là phục hồi. Chìa khóa để vượt qua lòng tham để có tầm nhìn tích cực và tiến bộ về nguồn lực xã hội bền vững là cần phải nâng cao nhận thức rằng: tất cả chúng ta và cả thế hệ tương lai là một phần của tổng thể lớn hơn - tình bạn, gia đình, cộng đồng, thiên nhiên tươi đẹp… và sự kết nối kỳ diệu đó đã định vị và duy trì sự phát triển bền vững của chính chúng ta. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc đó, có ba giải pháp nên chăng cần phải tập trung nhất quán hơn nữa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam:

1. Kiên trì xây dựng hệ thống thể chế nhà nước pháp quyền và cơ chế thị trường phát triển hoàn thiện với những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt và tư tưởng Hồ Chí Minh về chính trị và ngoại giao từ những ngày đầu thành lập nước. Chính vì vậy hơn hết, điều cốt lõi là phải xây dựng được Đảng cầm quyền tiên phong để kiến tạo ra những người lãnh đạo làm luật có tầm nhìn vừa có đạo đức và lòng dũng cảm, vừa hiệu quả ở mọi cấp độ từ Trung ương đến địa phương như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

2. Kinh tế thị trường trong kỷ nguyên công nghệ được thúc đẩy rất nhanh bởi công nghệ số các khả năng kết nối hiệu quả các công cụ thị trường vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có thể chế kinh tế mở với chiến lược ngoại giao làm bạn với tất cả các nước, do đó cần từng bước xây dựng các nền tảng pháp lý để kết nối thị trường, người tiêu dùng và phát triển đối tác quốc tế tạo nguồn vốn xã hội to lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình đó cần hoàn thiện nền kinh tế thị trường dựa trên hai cơ sở: (1) Hệ sinh thái là một hệ thống gồm các tác nhân tương tác và phối hợp hướng tới kết quả tạo ra giá trị; (2) Kinh tế nền tảng là một cơ chế tổ chức kinh tế nhằm triển khai thực hiện các tương tác để kết quả tạo ra giá trị bền vững mà chúng ta hướng tới.

3. Cộng đồng xã hội địa phương: Trong phát triển nguồn lực xã hội quốc gia, cần bổ sung các nguồn lực và tạo tính linh hoạt cho cộng đồng địa phương để các cơ sở địa phương có thể đổi mới và xây dựng cấu trúc văn hóa xã hội theo những cách phù hợp với giá trị của chính họ. Hơn nữa, chúng ta đều biết mối quan hệ gia đình đặt nền tảng cho các mối quan hệ trong tương lai vì sự hình thành các chuẩn mực và văn hóa xã hội không những phụ thuộc vào nền giáo dục cũng như cách tổ chức các cấp và các ngành hoạt động để xây dựng ý thức cộng đồng mà đặc biệt còn phụ thuộc vào cách gia đình nuôi dạy con cái. Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng truyền thống gia đình tốt đẹp thúc đẩy ý thức về bản sắc và lòng tự trọng của thanh thiếu niên. Gia đình không chỉ cung cấp những nhu cầu cơ bản cho trẻ em mà còn cả những nhu cầu về tình cảm yêu thương. Mối quan hệ gia đình tích cực dẫn đến mức độ rối loạn hành vi thấp hơn và ý thức gắn kết gia đình mạnh mẽ hơn, giúp con người chịu đựng tốt hơn những thời điểm khó khăn và khủng khoảng cũng như phát triển tính sáng tạo và tình yêu thương trong sự nghiệp.

Mùa Xuân đến không chỉ đem lại lễ nghi sum họp, hạnh phúc gia đình trong dịp Tết dân tộc, mà hơn hết nó còn gieo mầm cho sự gia tăng tình yêu thương của con người với con người, của con người với thiên nhiên... Chính vì những điều đó, cùng với sự hoàn thiện một nhà nước pháp quyền ở nước ta, mùa Xuân còn là hy vọng và niềm tin mạnh mẽ về một xã hội nhân ái và bền vững.

Tin cùng chuyên mục