Mẹ ơi, chúng con đến muộn rồi
Bận rộn với công việc tết nhất, nhưng cô gái phụ trách công tác thương binh liệt sĩ của xã An Nhơn Tây vẫn vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm, chúc tết và tặng quà các mẹ liệt sĩ. “Các chú đến muộn rồi. Mẹ Nguyễn Thị Phơi ở ấp Xóm Trại vừa mới mất cách đây ít ngày…”, cô gái nói. Tôi bàng hoàng. Cũng ngày này năm trước, chúng tôi về thăm mẹ. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phơi sinh năm 1929, đã dâng hiến cho đất nước 3 người con trai, nhìn vẫn mạnh khỏe, tiếp chúng tôi. Mẹ hẹn, khi nào rảnh về thăm mẹ. Thế mà nay chúng tôi về thăm thì mẹ đã đi xa.
Cách đây 47 năm, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Nguyễn Đức Hải lúc đó là cán bộ của Sư đoàn 10 Quân đoàn 3, đã hành quân qua Củ Chi để tiến vào giải phóng Sài Gòn. Người dân nơi đây, trong đó có các mẹ chiến sĩ, đã tiếp tế lương thực, thực phẩm và chỉ đường cho các anh. Không biết trong số ấy có Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phơi?
Cùng tâm trạng ấy, Đại tá Nguyễn Văn Ái (Chín Ái), nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM, kể về những năm tháng chiến đấu ở Củ Chi. Các mẹ, các chị, các em nơi chiến trường khốc liệt này đã che chở các anh. Nay trở lại chiến trường xưa thăm mẹ liệt sĩ, anh như thấy được về thăm người mẹ đã sinh ra mình. Tại ấp An Hòa, xã An Phú, chúng tôi thăm mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ba. Má Ba năm nay vừa bước vào tuổi 90. Má có 3 người con, trong đó có một liệt sĩ và một người khuyết tật. Má Ba đón chúng tôi như đón những đứa con ruột thịt đi xa trở về. “Dịch bệnh mà mấy đứa còn lặn lội xuống thăm má. Má vui lắm”, má nói. Cầm tờ báo xuân Linh khí Quốc gia của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, má lật từng trang tìm hình ảnh những đứa con liệt sĩ. “Các con nhớ thăm lại nhé? Không biết năm sau có gặp các con không?”. Lòng tôi nặng trĩu khi nghe má nói thế.
Thời gian như bóng câu cửa sổ. Các mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ như trái chín trên cây. Chỉ cơn gió nhẹ thôi có thể làm trái cây rớt xuống. Tôi nghĩ đến gương mặt phúc hậu, bỏm bẻm nhai trầu của mẹ Phơi ở xóm Trại xã An Nhơn Tây. Lần trước, đón chúng tôi, mẹ còn nói cười vui vẻ mà giờ đây mẹ đã hóa người thiên cổ. Chúng ta hãy cố gắng hết sức mình, làm được điều gì đó thì hãy làm để vơi nỗi buồn thương, đền đáp sự cống hiến, hy sinh cao cả của các mẹ liệt sĩ. Tôi nghĩ thế, khi cùng đồng đội tiếp tục hành trình tri ân đồng đội, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ.
Người anh hùng thầm lặng
Trở về chiến trường xưa thăm mẹ liệt sĩ khi mùa xuân về, Đại tá Nguyễn Văn Ái như sống lại một thời chiến tranh gian khổ, ác liệt mà quá đỗi tự hào. Chín Ái không sinh ra ở Củ Chi nhưng nơi đây thực sự là quê hương thứ 2 của ông. Quê của Chín Ái ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Đồng Khởi, Chín Ái tham gia cách mạng từ nhỏ. Cách đây không lâu, tôi cùng Chín Ái về quê trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ. Chín Ái dẫn tôi ra thăm phần mộ hai mẹ con người chị dâu của ông. Chín Ái kể, hồi chống Mỹ, năm 1966, bằng súng bộ binh, Chín Ái đã bắn rơi một máy bay phản lực F4H của Mỹ. Niềm vui tiêu diệt kẻ thù tàn phá quê hương chưa trọn, ông phải chịu đựng nỗi đau thương hy hữu. Ấy là việc chiếc máy bay do Chín Ái bắn, rơi trúng ngôi nhà anh trai thứ 5 của ông. Và kết cục đau buồn, chị dâu đang mang bầu và con trai nhỏ của anh chị tên là Vĩnh Linh tử nạn.
Chín Ái mang nỗi đau ấy đi khắp chiến trường. Sau này về chiến đấu tại Củ Chi, thêm một lần nữa, bằng súng bộ binh, Chín Ái hạ một máy bay trực thăng “cá rô” của địch. Đặc biệt, khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, năm 1977, là đại đội trưởng, đơn vị của Chín Ái được giao móc nối, đưa lực lượng nổi dậy của bạn xây dựng chính phủ cách mạng lâm thời và lực lượng vũ trang Campuchia cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam tiêu diệt chế độ Pôn Pốt, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM nghỉ hưu, nặng nợ với đồng đội, Chín Ái tình nguyện tham gia xây dựng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Người anh hùng chưa được tuyên dương đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch hội. Mặc dù đã trên 70 tuổi, trái tim người lính bộ đội Cụ Hồ quê hương Đồng Khởi vẫn trào dâng nhiệt huyết.
Tôi đã thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đầy ắp thời gian, dạn dày chiến trận của người lính biệt động thành năm xưa… Mai vàng rực rỡ nơi chiến trường xưa. Vùng đất bảo tàng, đất thép Củ Chi năm nào, sau trận cuồng phong Covid-19 đang hối hả vào xuân.