Đó là câu ca dao nói về nghề gốm nổi tiếng ở đất Bình Dương mà tôi vẫn thường nghe bà và mẹ hát ru từ hồi thơ bé. Nhà tôi nội ngoại bao đời đều sinh sống ở đất Bình Dương nên chợ Thủ như là một địa danh thiêng liêng, ăn sâu vào tâm trí tôi với sự yêu thương và với cả tự hào. Ngày thường, tôi hay đi những chợ gần nhà, nhưng hễ cứ tết là phải đi chợ Thủ ít nhất một lần mới tròn cái tết. Tôi có cảm giác chợ Thủ làm nên mùa xuân của Bình Dương, chỉ cần đi ngang qua chợ Thủ vào những ngày cuối năm thì trong lòng cũng rộn ràng không khí vui tươi, mùa của đất trời như chan hoà trong màu nắng tươi trên sông Sài Gòn chảy ngang chợ Thủ.
Vào giữa tháng Chạp, khi những cơn gió se se làm bay những cánh hoa dầu trước cổng uỷ ban tỉnh, công viên góc ngã sáu trước chùa Bà đã bắt đầu trang trí lồng đèn, hoa được trồng từ mấy tháng trước cũng hân hoan chúm chím nụ xinh. Những ngày này dù con đường đi làm không ngang qua chợ Thủ nhưng tôi vẫn hay tranh thủ chạy vòng sang một chút, có khi không dừng ở đâu, chỉ đơn giản là hít hà hương tết trên từng gánh kiệu thơm được mang ra từ Tương Bình Hiệp. Thường thời gian này người ta bán kiệu tươi cho mấy bà nội trợ mua về làm, cũng có khi bán loại kiệu làm sẵn cho những người bận rộn. Nói gì thì nói, tết là phải có kiệu, nên mùi kiệu cũng như mùi tết thoang thoảng thật gần. Có khi nghe mùi kiệu mà mắt tôi chợt cay cay, mẹ tôi ngày xưa cũng hay ra chợ Thủ mua kiệu về làm, tôi nhớ bà hay phơi cả nia ở khoảng sân có gốc cây mai ba đã lặt lá chờ ngày ra nụ.
Chợ Thủ Dầu Một không lớn, đi một vòng là có thể mua được tất cả những thứ cần thiết nhất từ thực phẩm cho đến quần áo, đồ gia dụng, đồ điện… Những ngày tết, cửa hàng nào cũng trữ đồ nhiều, bày biện ra cả lối đi, nhìn xôm tụ hẳn lên. Chợ Thủ những ngày giáp tết nhộn nhịp nhất có lẽ là khu bán đồ gia dụng bằng gốm và sành sứ. Có đủ loại gốm Bình Dương gồm chén bát, bộ bình trà, bình bông và gốm dùng thờ cúng… nhiều hoa văn truyền thống trông thật đẹp và giá trị. Mỗi năm tôi đều sắm thêm một vài món mặc dù bộ cũ vẫn còn dùng được, chắc cũng nhiều người giống tôi nên những ngày giáp tết các cửa hàng gốm luôn rôm rả.
Nhộn nhịp nhất vẫn là khu vực giáp với mé sông, đường Bạch Đằng với những hàng cây dầu cao làm nên địa danh Thủ Dầu Một. Từ khoảng hai mươi tết, tàu ghe từ miệt miền Tây tấp nập bến sông. Tôi thích nhất là hình ảnh các chiếc ghe chở hoa mai, cây kiểng và các loại như cúc, vạn thọ, hoa giấy… trên sông, một vùng sắc màu mang không khí tươi vui của mùa xuân ngập tràn trên sóng nước. Trên bờ, đường hoa Bạch Đằng cũng rục rịch hoàn thiện, các thương lái hoa kiểng đổ về, mang lại nhiều chủng loại hoa đẹp, năm sau phong phú hơn năm trước. Mùa xuân hân hoan trên những môi cười của các chị bán hàng, tiếng í ới gọi nhau trên các ghe tàu xôn xao dưới bến. Chợ Thủ đón xuân sớm hơn tất cả, những ngày cơ quan chưa cho nghỉ tết nhưng cứ hễ tan làm là tôi ghé chợ Thủ mua sắm vài món đồ, trong lòng hân hoan như là mang tết về nhà từ chợ Thủ.
Rồi những ngày cao điểm cũng đến, những mái rạp được che thêm với các đống dưa hấu lớn từ Gò Công, Long An… Giọng mời chào rặt Nam Bộ “bà con cô bác ơi quẹo lựa, quẹo lựa” làm cho người đang sắm tết không thể rời đi, phải dừng lại để mua cho được một vài cặp dưa thật tròn về cúng gia tiên, hay là những chậu hoa thật đẹp. Người Bình Dương và người miền Nam nói chung ngoài hoa mai là biểu tượng mùa xuân ai cũng biết thì ngoài ra cũng rất ưa chuộng bông vạn thọ và sống đời. Có lẽ do ý nghĩa từ tên gọi của nó, nên các loại hoa này được bày bán nhiều nhất. Chợ Thủ như ngập trong sắc vàng, vàng như nắng phương Nam rót mật vào những ngày xuân vui của đất nước.
Ngày xưa, chợ Thủ là ngôi chợ nổi tiếng của vùng Đông Nam bộ với các ngành nghề truyền thống như gốm và mộc nên có câu bán hũ, bán ve, bộ đồ chè, cối đâm tiêu… Theo thời gian, có nghề cái vẫn còn phát triển nhưng cũng có nghề bị mai một. Nhưng dù sao, đã là người con của đất Bình Dương thì không ai không cảm thấy yêu thương và tự hào về chợ Thủ, một ngôi chợ với bao thăng trầm trong chiến tranh với bề dày lịch sử đấu tranh của những người con đất Bình Dương. Một vòng chợ Thủ vào những ngày xuân, thấy như từng mạch nguồn của sự sống đang sinh sôi trong từng huyết quản. Tôi yêu chợ Thủ quê tôi, yêu mùa xuân trên các tuyến đường có hoa dầu bay bay trong gió, yêu từng nụ cười tiếng nói của người dân chợ Thủ, để rồi ngóng trông một mùa xuân nữa lại về trên chợ Thủ quê tôi.
KIM LOAN
Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương