Tưởng rằng lãng quên…
Không giỏi làm thương hiệu, làng nghề Kim Lan (huyện Gia Lâm, Hà Nội) kém nổi danh hơn hẳn so với người anh em Bát Tràng nằm kế cận, cùng ôm ấp bờ sông Hồng. Thế nhưng, nghề gốm sứ cũng đã có ở đất này từ hàng ngàn năm trước. Theo các nhà khảo cổ học, người dân Kim Lan làm gốm sứ từ thế kỷ thứ VII. Nghề đặc biệt phát triển ở đây vào thế kỷ XII-XIII. Vì nhiều lý do, nghề đã bị mai một suốt một thời gian rất dài, đến tận những năm 1980 mới dần dần được khôi phục.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Kim Lan, kể, những năm 1990-1993, Kim Lan có khoảng 750 lò sản xuất gốm sứ, chủ yếu làm những sản phẩm dân dụng, bán khá chạy. Tuy nhiên, những năm 2000, sản phẩm không còn được khách hàng yêu thích, nhiều gia đình trong làng phải bỏ nghề hoặc làm thuê cho các lò gốm ở Bát Tràng. Một số thì nhờ người Bát Tràng bán sản phẩm của mình dưới thương hiệu của làng bạn.
Thị trường trồi sụt, bấp bênh, cho đến khi những người tâm huyết và yêu nghề một lần nữa tập hợp lại, quyết định dốc vốn để thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất bằng lò hộp đốt than truyền thống sang lò gas. Tuy đầu tư ban đầu rất tốn kém, trung bình khoảng 600-700 triệu đồng/lò nhưng lò gas giúp điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn, lại nung được rất nhiều loại sản phẩm cùng lúc mà không phải “bao” từng sản phẩm một.
Các nghệ nhân làng Kim Lan cũng lựa chọn một hướng đi khác với bạn cùng nghề ở Bát Tràng. Nếu Bát Tràng có ưu thế hơn trong sản xuất những sản phẩm trang trí nghệ thuật tinh xảo, đa phần xuất khẩu, thì Kim Lan thiên về các sản phẩm dân dụng như đồ thờ cúng, lọ hoa, chậu hoa, chum vại, gạch ngói xây dựng… và chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các nghệ nhân làng Kim Lan cũng sản xuất cả những tác phẩm nghệ thuật kỳ công. Nghệ nhân Nguyễn Đức Tuấn rất tự hào với chiếc chóe gốm có tên gọi “Hồn Việt”, đã được trao giải C hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận là chóe lục giác men hoàng thổ đắp nổi hình rồng phượng lớn nhất Việt Nam.
Chiếc chóe cao 3,15m, nặng 1.600kg, được anh Tuấn và cộng sự thực hiện trong 6 tháng ròng với 6 lần thất bại, tổng chi phí ước tính khoảng 1 tỷ đồng. Sản phẩm “chị em” với chiếc chóe này là tác phẩm “Thiên Vương khai quang” thể hiện trọn vẹn câu chuyện về Phù Đổng Thiên Vương…
Hiện tại, làng Kim Lan có khoảng 350 lò gas và hơn 10 lò hộp truyền thống còn đỏ lửa thường xuyên. Làng có 12 nghệ nhân, trong đó 5 nghệ nhân cấp thành phố, 7 nghệ nhân được Hiệp hội Làng nghề Hà Nội công nhận. Đáng nói, làng có Bảo tàng gốm sứ Kim Lan - bảo tàng làng nghề cấp xã đầu tiên của cả nước - trưng bày các sản phẩm gốm cổ Kim Lan được khai quật, tìm thấy trong các thương thuyền bị đắm từ nhiều thế kỷ trước.
Lựa chọn của Nishimura
Là những vị khách đầu tiên “xông đất” Bảo tàng gốm sứ Kim Lan năm Giáp Thìn, chúng tôi được nghe kể lại câu chuyện thật xúc động về nhà khảo cổ học, GS Nishimura Masanari, Đại học Tokyo, Nhật Bản.
Không chỉ góp phần quan trọng tìm ra những bằng chứng xác thực cho lịch sử hình thành, phát triển của làng như một trong những trung tâm sản xuất gốm từ hàng ngàn năm trước, ông Nishimura Masanari chính là người đã quyên góp tiền xây dựng bảo tàng gốm cho làng Kim Lan. Ông cũng là người đã thiết kế tòa nhà, sắp xếp hiện vật, viết giới thiệu và thẩm định niên đại cho từng hiện vật.
Ông Phạm Văn Hòa, chủ cơ sở kinh doanh gốm Minh Phương, kể lại, ông Nishimura Masanari được người dân ở đây thân mật gọi tên Việt Nam là Lý Văn Sỹ. Với nhiều năm lăn lộn ở Kim Lan, hình ảnh nhà khoa học không quản lấm lem bùn đất, sẵn sàng chia sẻ những bữa ăn đạm bạc với người dân địa phương vẫn được nhiều người làng nhớ rõ. Người dân Kim Lan có câu “vo gạo bằng rổ, mổ cá bằng gai”, nghĩa là thức ăn chính chỉ là tinh bột, chỉ có rất ít cá nhỏ (nên mới mổ bằng gai)…
Thật đáng tiếc, ông Nishimura Masanari qua đời vào ngày 9-6-2013 do tai nạn giao thông. Vợ ông, bà Noriko, cũng là một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, quyết định để mộ phần của ông tại Kim Lan như ý nguyện của ông lúc sinh thời. Tháng 8-2013, GS Nishimura và nhóm “Tìm về cội nguồn” (gồm một số cán bộ viên chức đã nghỉ hưu và đang sống tại quê nhà, đã dày công tìm hiểu, thu thập hiện vật, ghi nhận lại lịch sử phát triển của làng và hợp tác chặt chẽ với ông Nishimura) được trao giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, tôn vinh đóng góp của ông và các cộng sự cho cộng đồng. Nhưng người Nhật yêu Việt Nam ấy không thể có mặt trong lễ trao giải…
Làng Kim Lan không chỉ có gốm. Kim Lan là một làng ven đô khá giả, phong quang mà vẫn giữ được vẻ yên bình, người dân cởi mở thân thiện. Người dân Kim Lan đặc biệt gắn bó với sông Hồng. Lễ hội rước nước sông Hồng về tế tại đình làng diễn ra trang trọng vào mùng 9 tháng Giêng hàng năm; với mong ước một năm mưa thuận gió hòa, lúa ngô tốt tươi, nhà nhà no đủ. Chính hội, ngày 10 tháng Giêng, diễn ra lễ tế thánh và nhiều hoạt động tâm linh, giải trí khác hết sức nhộn nhịp, vui tươi…
Mùa xuân này, làng Kim Lan dành riêng một khoảnh đất màu mỡ ven sông làm vườn hoa. Hoa cải vàng, hoa cánh bướm tím hồng, tím đậm nở rộ; rập rờn khoe sắc làm vui mắt du khách và là khung cảnh lý tưởng cho những bức ảnh. Nhưng chúng tôi không muốn gọi đó là “sống ảo”. Bởi những bức ảnh ấy là cái kết đẹp đẽ sau một ngày đã sống rất thật với làng.