Mùa xuân Lạc Dương thăm Đỗ Phủ

Mùa xuân Lạc Dương thăm Đỗ Phủ

Mộ của Đỗ Phủ nằm trong vườn trường của một trường trung học. Đỗ Phủ, như ta biết, mất trên một chiếc thuyền con, khi ông cùng gia đình chạy loạn “tên bay đầy mắt”, trên sông Tương - Hồ Nam. Người ta chôn ông ở đấy và 43 năm sau, cháu nội là Đỗ Tự Nghiệp mới kiếm được tiền, dời mộ ông về quê, chôn ở đây và có nhờ Nguyên Chẩn làm cho bài văn bia.

Mùa xuân Lạc Dương thăm Đỗ Phủ ảnh 1

Ở nhà Đỗ Phủ (đang trùng tu)

Ai đọc thơ Đường đều nhớ câu: “Lạc Dương thân hữu như tương vấn - Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ”, hay: “Lạc Dương thành lý kiến thu phong - Dục tác gia thư ý vạn trùng”… Lạc Dương là kinh đô của nhiều triều đại, bắt đầu từ Đông Chu. Nó có lịch sử đến 5.000 năm. Hiện thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Cuộc hội thảo quốc tế về văn hóa Hán mở tại khách sạn năm sao mới xây xong ở Lạc Dương diễn ra trong 3 ngày vào mùa xuân 2006. Giữa những buổi hội thảo là tham quan các di tích văn hóa cổ xưa từ đời Chu, đời Hán, đời Đường..., xem biểu diễn ca nhạc, tham quan đồng hoa mẫu đơn, một thứ hoa vương hậu của các loài hoa và chỉ có ở Trung Quốc. Ba ngày hội thảo, thu hoạch nhiều điều, nhưng ấn tượng nhất với đoàn Việt Nam là buổi đi thăm quê Đỗ Phủ (712 - 770).

Trên đường đi từ Trịnh Châu đến Lạc Dương, tình cờ tôi nhìn thấy một tấm bia bên đường, ghi “Đỗ Phủ cố lý” (làng quê Đỗ Phủ). Là một người nghiên cứu Đỗ Phủ và Nguyễn Du, tôi thấm thía mối tình “dị đại tương liên” (khác thời đại thương nhau) của Nguyễn Du đối với Đỗ Phủ. Hơn thế nữa Nguyễn Du còn xem Đỗ là người “văn chương nghìn đời, bậc thầy nghìn đời”. Cả một thời đại văn chương xưa, từ Nguyễn Trãi “đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ” đến Nguyễn Du, Cao Bá Quát, và sau cùng là Hồ Chí Minh, đều kính trọng Đỗ.

Trong chương trình tham quan của hội thảo không có tiết mục thăm quê Đỗ Phủ. Chúng tôi bàn nhau thuê xe, tự tổ chức đi cho kỳ được. Đã đến đây rồi, mà không về thăm quê ông, thì tiếc quá, thì không thỏa lòng.
 
Đỗ Phủ có lẽ là nhà thơ vĩ đại nhất mà cũng là kỳ lạ nhất của thơ, của văn hóa Trung Hoa. “Đỗ Tử Mỹ trên làm nhạt Phong Tao, dưới làm mờ Thẩm - Tống; lời thơ vượt cả Tô, Lý; khí thơ nuốt cả Tào, Lưu; che khuất Nhan, Tạ đỉnh cao, nhuộm đục Từ, Dữu dòng thắm..., có tất cả thể thế của tổ tiên, lại có được cái độc chuyên của từng thi sĩ. Người làm thơ từ xưa đến nay chưa có ai như Đỗ Tử Mỹ vậy” (lời bia do nhà thơ Nguyên Chẩn (779 - 813) đời Đường viết).

Cái kỳ lạ là ông là một nhà nho - một trí thức, một ông quan, nhưng suốt đời ông lo cho nhân dân “cùng niên ưu lê nguyên”, suốt đời ông theo đuổi một chủ nghĩa nhân văn vĩ đại là đứng về nhân dân, phản đối chiến tranh, phản đối phân biệt giàu nghèo (“cửa son rượu thịt ôi, ngoài đường dân chết cóng”). Ông là nhà thơ của chiến tranh, ly loạn, ly biệt,... nhà thơ của đau khổ và khát vọng nghìn đời của người dân phương Đông.
 
Một điều kỳ lạ nữa là, với một lý tưởng xã hội và thẩm mỹ có vẻ như là trái ngược với xã hội vua quan như thế, ông được người đọc, nhà thơ, nhà bình luận, sĩ phu Trung Hoa đánh giá cao tột bậc. Vị trí của ông trong lịch sử văn hóa Trung Hoa là vị trí hàng đầu, kể từ Chu Công - Khổng Tử - Tư Mã Thiên rồi đến ông, sau này họa may có Lỗ Tấn. Đó là những thiên tài - mẹ của văn hóa Trung Hoa.

Mộ Đỗ Phủ chỉ có một cái bia đơn giản “Đường

Công bộ Thập di Thiếu Lăng Đỗ Văn Trinh Công chi mộ” (bia dựng vào năm Càn Long thứ 55) và là một ngôi mộ đất, cỏ xanh um. Chúng tôi thành kính đứng tưởng niệm và chụp hình, rồi đi về làng quê ông gần đấy. Đây là một làng dưới chân núi. Nhà Đỗ Phủ khi xưa, cũng như nhiều nhà vùng này, đều làm dựa vào chân núi. Trước nhà, còn một cổng nhà cũ, không biết từ đời nào. Nhà cũ này của thi hào đang được phục chế, xây dựng thành một nhà lưu niệm tương đối lớn. Vì nhà Đỗ Phủ xưa kia cũng là nhà làm quan (ông tổ ông là tướng Đỗ Dự, ông nội là Đỗ Thẩm Ngôn làm quan và là nhà thơ nổi tiếng đời Đường), nên ngôi nhà tuy phục chế chưa xong, nhưng trông rất đẹp và bề thế. Chúng tôi trò chuyện, chụp ảnh với các bác thợ xây, thợ mộc... đang làm việc.

Có lẽ chúng tôi là những nhà văn Việt Nam đầu tiên đến tận làng này. Vì thông thường, đi Trung Quốc tham quan du lịch thì đi phía Đông, Đông-Bắc, ít ai lên phía Tây này, và cũng ít ai đi thêm hàng trăm cây số để về một làng quê hẻo lánh thăm cụ Đỗ.

Cả một chuyến đi - sau đó còn thăm Tây An (tức Tràng An), kinh đô xưa với “Tần hoàng binh mã”, với bảo tàng viện, với núi non, sông nước, phong cảnh, thị thành... cái ấn tượng còn lại trong tôi, cũng là niềm hạnh phúc trong tôi là trong đời làm văn học của mình được đến trước mộ, được đến làng quê của một đại thi hào bậc nhất Trung Hoa mà mình vô cùng yêu mến.

GS MAI QUỐC LIÊN

Tin cùng chuyên mục