1. Khi chúng tôi đến thăm những người lính Đội K73, các anh đang tất bật gói bánh chưng, chăm tỉa từng chậu bông, cây cảnh... chuẩn bị đón Tết Kỷ Hợi 2019.
Thượng tá Trần Chí Công, Đội trưởng Đội K73, đưa chúng tôi vào khu nhà quàn, nơi các cán bộ, chiến sĩ của đội đang tỉ mỉ chăm chút từng bông hoa, thắp nến, đốt hương vào từng bát hương để ngay ngắn trước di cốt quân tình nguyện Việt Nam được quàn trong tiểu sành, bên ngoài phủ cờ Tổ quốc.
Hơn 15 phút bên các liệt sĩ, thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe anh Công khẽ thì thầm: “Các bác, các chú yên nghỉ trên đất bạn mấy chục năm rồi”.
Anh kể, trước mọi chuyến đi, thông tin mộ đồng chí luôn là “tài sản” quý giá của đội. Chính vì vậy, trong thời gian không tròn tháng được trở về nước, vừa tất bật chuẩn bị cho bộ đội đón tết, đơn vị vừa chủ động nắm bắt nguồn thông tin từ các kênh cựu chiến binh và người dân trong, ngoài tỉnh. Nhưng 30 năm, thậm chí 50 năm đã trôi qua, mộ chí các liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Campuchia qua các thời kỳ đã gần như trở thành bình địa.
Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, tôi bò trong hầm ra thấy đồng chí Dũng và nhiều đồng chí khác đã anh dũng hy sinh. 2 ngày sau, địch rút quân, chúng tôi mới có điều kiện chôn cất các đồng chí đó. Khi chôn cả 3 đồng chí đều nằm gần nhau (như trong hồ sơ tôi đã vẽ).
Riêng Dũng chỉ mặc một bộ đồ lót màu xanh, ngoài ra không có thứ gì kèm theo. Cả 3 đồng chí khi chôn đều bọc bằng vải ni lông màu xám”.
Đội K73 tìm đến địa chỉ trên bức thư, tìm kiếm theo thông tin này nhưng không có kết quả. Quyết không bỏ cuộc, sau hàng chục lần rà đi, bới lại, đào hàng ngàn mét vuông đất ruộng sình lầy, ngập nước, các anh cũng phát hiện được 3 bộ hài cốt liệt sĩ bọc trong lớp vải ni lông. Đối chiếu những thông tin của cựu chiến binh Đỗ Việt Hùng và thực địa thì đây chính xác là vị trí mộ của liệt sĩ Lê Phú Dũng và 2 liệt sĩ khác.
Với Trung tá Đỗ Quốc Tiến, người có thâm niên trên 10 năm làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, kỷ niệm thì nhiều, vui có, buồn có, vất vả, gian khổ không cần phải nói. Nhớ những ngày đầu là “lính mới”, anh cũng sợ, cũng run lắm, dần rồi cũng quen.
Kỷ niệm nhớ nhất của Trung tá Tiến là tiếng kêu xé ruột của một người mẹ liệt sĩ, khi mẹ cùng với đội đi tìm hài cốt con mình trên nước bạn nhưng không thấy: “Cũ ơi, theo mẹ về con ơi...”.
Tiếng kêu tha thiết, đau đáu của người mẹ trên chiến trường xưa, khiến cho cán bộ, chiến sĩ trong đội canh cánh trong lòng nỗi đau của mẹ. Các anh xác định quyết tâm tìm cho bằng được.
Rồi sau 5 lần tìm kiếm, có sự giúp sức của các cựu chiến binh từng hoạt động trên địa bàn, hài cốt liệt sĩ Cũ đã được tìm thấy và đưa về quê hương với mẹ.
2. Những ngày tết cổ truyền nhanh chóng trôi qua, người lính Đội K73 lại tất bật sắp xếp quân trang, thiết bị, chuẩn bị sang đất bạn làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ đợt 2 trên địa bàn 3 tỉnh Battambang, Pailin, Svây Riêng và thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia trên cơ sở 31 thông tin hiện có (dự kiến có trên 200 hài cốt liệt sĩ); đồng thời phối hợp Đội K70 (Cục Chính trị - Quân khu 7), Đội K71 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh) với các thông tin của nước bạn để lập kế hoạch tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ tại nước bạn.
Thượng tá Trần Chí Công cho biết sau gần 3 tháng làm nhiệm vụ của đợt 1 (từ 20-10-2018 đến 20-1-2019), cán bộ, chiến sĩ Đội K73 đã nhận được sự giúp đỡ nghĩa tình của chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân thủ đô Phnôm Pênh và tỉnh Svây Riêng.
Nghĩa tình và trách nhiệm Trung tá San-Dan, Đội trưởng Đội hợp tác tỉnh Svây Riêng - Monsavan, bày tỏ: “Chúng tôi xem anh em Đội K73 Long An là những người bạn, đồng nghiệp. Chúng tôi luôn tri ân những công lao to lớn của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa của chiến tranh. Chúng tôi luôn xác định việc giúp Đội K73 quy tập hài cốt liệt sĩ là nghĩa tình và là trách nhiệm”. |
Đội đã tìm kiếm và quy tập được 86 hài cốt liệt sĩ, hiện đã đưa về trụ sở đội (ấp Mới, xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) để thắp hương, bảo quản chờ an táng vào ngày 27-7.
Đặc biệt hơn, bên cạnh Đội K73 còn có sự đồng hành của những người dân bản xứ, nhất là các cụ già bản. Họ là nguồn tin quan trọng để những người lính Đội K73 tìm được hài cốt liệt sĩ. Thượng tá Trần Chí Công nhận định: “Dân bạn rất yêu quý Đội K73. Có cụ già bản không những nhớ kỹ từng ngôi mộ mà còn nhớ cả đặc điểm, tính nết và những kỷ niệm rất sâu nặng của những người nằm dưới mộ. Bởi thế, trong việc tìm mộ liệt sĩ, chúng tôi luôn dựa vào dân”.
Những ngày sắp tới trên đất bạn, cán bộ, chiến sĩ Đội K73 sẽ lại đối mặt với ánh nắng như thiêu, đất cứng như đá, có khi gặp phải gò mối lại càng vất vả hơn. Nhưng khó cách mấy thì các anh vẫn kiên trì, vì tìm được “các bác, các chú” dẫu không còn nguyên vẹn, dẫu chẳng có một dòng tên tuổi, địa chỉ, cũng khiến cả đội mừng rơi nước mắt. Bởi các anh hiểu rằng, đó là hồn cốt, xương máu của cha ông đã “đợi” các anh mấy chục năm trời để được về với đất mẹ thân thương.
Quy tập được 2.079 bộ hài cốt liệt sĩ Đội K73 thành lập năm 2001 tại rốn lũ Đồng Tháp Mười, với nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia tại địa bàn thuộc các tỉnh Svây Riêng, Kandal, Kong Pong Spư, Pray Veng và thủ đô Phnôm Pênh. Hơn 18 năm qua, cán bộ, chiến sĩ của đội đã có mặt tại hàng trăm phum, sóc thuộc các địa bàn nói trên, quy tập được 2.079 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 159 hài cốt liệt sĩ biết tên và địa chỉ, giúp nhiều đồng đội được “đoàn tụ” cùng gia đình. Trung bình mỗi năm, những người lính K73 ở trên nước bạn khoảng 6 tháng. Thâm niên công tác của người ít gần 2 năm, người lâu có trên 10 năm. |