Triển vọng phục hồi và phát triển
Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế-văn hóa-xã hội của TPHCM trong năm 2022 đã xác định mục tiêu tổng quát: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, trên tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành ngày 11-10-2021.
Trong đó, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) hướng đến mức 6-6,5% trong năm 2022. Mục tiêu này cho thấy sự quyết tâm khôi phục và phát triển của TPHCM sau những tổn thất nặng nề từ đợt bùng dịch lần thứ 4 trong năm 2021. Đây là giai đoạn có thể nói là khó khăn và hiểm nghèo nhất trong suốt hơn 45 năm qua. Cuộc sống và an nguy của người dân bị đe doạ, thành phố gánh chịu sự tác động tiêu cực của đại dịch có thể nói là nặng nề nhất trong cả nước.
Thế nhưng ngay từ đầu, chính quyền thành phố đã tuyệt đối ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân hơn tất cả các chỉ tiêu kinh tế ngắn hạn. Kể từ thời điểm đầu tháng 10-2021, giai đoạn thành phố dần mở cửa trở lại, bắt đầu giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, song song với các chương trình hỗ trợ và an sinh xã hội, tư duy chiến lược thích ứng an toàn với dịch Covid-19, của chính quyền thành phố đã ngày càng rõ nét và tỏ ra phù hợp, hiệu quả.
Mặc dù những mục tiêu kinh tế trong năm 2021 không đạt được, thậm chí phải chứng kiến những con số sụt giảm kỷ lục như GRDP giảm 6,78% (với quý III sụt giảm đến 24,39% so với cùng kỳ) so với kế hoạch ban đầu là 6%. Một con số tuyệt đối cũng cho thấy các hoạt động kinh tế của thành phố bị tổn thất khoảng 273.000 tỷ đồng. Nhưng các chỉ số thống kê ngắn hạn không thể đo lường hay phản ánh hết các thành quả kinh tế - xã hội của thành phố trong một giai đoạn đặc biệt như vậy. Nó rất tạm thời và không có tính xu hướng. Trong khi đó, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022 và cho cả giai đoạn 2021-2025, mới thật sự là nền tảng để mở ra một giai đoạn phát triển mới.
Sự sụt giảm các hoạt động kinh tế của TPHCM không xuất phát từ bản thân của các định chế và thị trường. Mà đó là hệ quả tất yếu của quyết sách ưu tiên phòng, chống dịch bệnh, mật độ bao phủ vaccine, cũng như củng cố hệ thống y tế. Hành động này chính là bảo vệ nguồn lực quan trọng nhất của mỗi quốc gia là con người, đây là giá trị cốt lõi nhất mà ai cũng có thể nhìn thấy mặc dù cũng đã có những hy sinh và mất mát.
Đến thời điểm cuối năm 2021, câu chuyện mở cửa và các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế đã trở nên rõ ràng hơn để thích ứng an toàn với Covid-19. Tăng trưởng kinh tế mục tiêu ở mức 6-6,5% là một chỉ tiêu thách thức trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến bất định và so với mức giảm 6,78% trong năm 2021, nhưng lại thể hiện quyết tâm cao độ của Chính quyền và nhân dân thành phố. Đáng nói hơn, giai đoạn 2021-2025, TPHCM hướng đến mức GRDP bình quân 8% mỗi năm và duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. Chúng ta mong chờ một triển vọng tốt đẹp và có lẽ Tết Nhâm Dần sẽ là thời khắc mở ra triển vọng đó.
Tính đến nay, các hoạt động kinh tế-xã hội, sinh hoạt người dân thành phố đã trở lại bình thường trong điều kiện mới. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi, nhiều lĩnh vực đạt mức gần 90%. Thành phố đang dần trở lại trong sự năng động vốn có, đúng với vị thế và tầm vóc của một đô thị lớn, chứng tỏ sức chống chịu và khả năng phục hồi mạnh mẽ.
Song song đó, một điểm đáng chú ý khác trong thời gian qua chính là Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 đã được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 13-11-2021, trong đó tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ năm 2022 sẽ tăng lên 21% thay vì 18% như giai đoạn 2016-2021, điều này tiếp tục củng cố một tương lai đầy hy vọng.
Thực tế, với quy mô kinh tế chiếm khoảng 23% GDP cả nước, việc TPHCM đã bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển sẽ tạo sức lan tỏa cho các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần không nhỏ cho sự phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam (năm 2021 ghi nhận tăng trưởng GDP ở mức 2,58%).
Ngoài ra, số ca tử vong do Covid-19 đã giảm và kiểm soát ở mức thấp, điều này phản ánh mức độ hiệu quả của việc bao phủ vaccine và chính sách phân tầng điều trị. TPHCM đang thực hiện tiêm nhắc và tiêm bổ sung vaccine ngừa Covid-19, phấn đấu hoàn thành trước Tết Nhâm Dần, nỗ lực này cũng càng củng cố triển vọng của một cái Tết an vui. Đây cũng là tiền đề để chào đón sự trở lại học tập trực tiếp của học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Khả năng chuyển mình của TPHCM còn được nhận diện thông qua bản sắc năng động và nhộn nhịp vốn có. Các cửa hàng đã mở, quán ăn đã sáng đèn, rạp chiếu phim đã đón khách, xe cộ đã nhộn nhịp, đường sá không còn tĩnh lặng như trước, và giá cả hàng hóa thiết yếu cũng đã bình ổn trở lại và không còn khan hiếm.
Chính Nghị quyết 128/NQ-CP đã tạo ra những nền tảng quan trọng để thành phố xây dựng và triển khai các chiến lược phục hồi và phát triển, thích ứng nhanh với hoàn cảnh virus Covid-19 vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Tính đến nay, có thể nhận thấy TPHCM là địa phương đã vận dụng thành công nhất nội dung của Nghị quyết 128, cộng hưởng với sự bền bỉ, năng động và sáng tạo của thành phố, đã mở ra một giai đoạn mới, hy vọng mới.
Các thách thức và lựa chọn chính sách
Phải thừa nhận rằng dù TPHCM đã mở cửa trở lại, nhưng mức độ tổn thương và mức chịu đựng mà nền kinh tế và đời sống của người dân, người lao động đã vượt mức đáng báo động. Cơn “đại hồng thủy” từ Covid-19 khiến mọi thứ trở nên đảo ngược và việc xoay chuyển thế cuộc là điều chúng ta mong muốn nhưng không phải dễ dàng.
Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, sức khỏe của người dân và an sinh xã hội phải được ưu tiên trên mọi mục tiêu, đây chính là nguồn lực cốt lõi để vực dậy khả năng phục hồi và phát triển của các hoạt động kinh tế, doanh nghiệp tại thành phố.
Ngay lúc này, bên cạnh chiến lược tiếp tục bao phủ và củng cố lá chắn vaccine, thì tái cấu trúc hệ thống y tế về cả mô hình hoạt động, cơ sở vật chất, đội ngũ là nhiệm vụ cấp bách khi mà các biến chủng như Omicron có thể còn xuất hiện. Điển hình như cách phân bổ đội ngũ cho trạm y tế cần phải hướng đến theo mật độ dân số thay vì theo đơn vị hành chính, tránh cào bằng để nguồn lực phân bổ thiên lệch.
Tiếp đến, quyết tâm về mặt chính trị của TPHCM đã rất rõ ràng, lấy lại vị thế của một đầu tàu kinh tế cả nước là điều phải làm tiếp theo khi mà năm 2021 đã trải qua sự chao đảo ngoài mong muốn. GRDP từ giảm 6,78% để có thể quay trở lại 6-6,5% trong năm 2022, thật sự đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, phải thực hiện nhanh và đúng mục tiêu.
Các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phục hồi phải triển khai đúng đối tượng, tránh quy đồng mà lãng phí nguồn lực. Do đó, việc triển khai thu thập thông tin và đánh giá các doanh nghiệp đang bị tổn thương nhưng có khả năng quay trở lại sản xuất, kinh doanh là cần thiết và phải nhanh chóng như việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Doanh nghiệp còn thì nền kinh tế mới có thể nghĩ đến một triển vọng tốt đẹp.
Kế hoạch thu hút và đón người người lao động trở lại cần triển khai nhanh và cụ thể hơn nữa, đây là trụ cột không thể thiếu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Để người lao động có niềm tin quay trở lại, các chính sách hỗ trợ như chỗ ở, chi phí sinh hoạt giai đoạn đầu, vấn đề di chuyển là yếu tố cốt lõi.
Dù lạc quan vào một nền kinh tế đầy triển vọng trong năm 2022, nhưng các vấn đề nổi bật trên những trang báo gần đây cũng cần phải chú trọng như: đứt gãy chuỗi cung ứng; giá nguyên vật liệu, hàng hóa và dịch vụ; áp lực lạm phát; khả năng hấp thụ của thị trường; nợ công; tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng; sự biến động của thị trường chứng khoán…
Hơn nữa, có thể thấy đầu tư công là giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trực diện hiện nay, tuy nhiên đây cũng lại là thách thức lớn đối với TPHCM. Lũy kế đến tháng 11-2021, TPHCM chỉ giải ngân được 40% tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao (gồm ODA) so với chỉ tiêu 95%.
Cuối cùng, sự rõ ràng trong quan điểm chỉ đạo, định hướng là cách để tạo lập niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân. Tránh tình trạng thử nghiệm chính sách, mở rồi đóng sau vài ngày ban hành, điều này gây thiệt hay cho bản thân các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vốn dĩ đã bị tổn thương nặng nề trong thời gian qua. Một niềm tin không chắc chắn vào chính sách có thể triệt tiêu mọi nỗ lực, hủy hoại những thành quả và làm phôi pha hy vọng vào một giai đoạn bình thường mới, kỳ vọng mới.
Giai đoạn 2021-2025, TPHCM hướng đến mức GRDP bình quân 8% mỗi năm và duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. Chúng ta mong chờ một triển vọng tốt đẹp và có lẽ Tết Nhâm Dần sẽ là thời khắc mở ra triển vọng đó. |