Tại Ai Cập, nơi bắt nguồn của Mùa xuân Arab, Tổng thống Abdel Fatah al-Sissi đang trong quá trình gia tăng quyền lực để có thể cầm quyền lâu dài như cựu Tổng thống Hosni Mubarak từng làm. Tại Syria, Tổng thống Bashar al-Assad ngày càng giành nhiều ưu thế và có thể sẽ cầm quyền thêm nhiều nhiệm kỳ. Ngay cả các nước được xem là “dân chủ” ở vùng Vịnh Persic, đứng đầu là Saudi Arabia, các lực lượng đối lập cũng đang bị thất thế. Tại Algeria, các nhóm tướng lĩnh, quan chức và giám đốc điều hành các tập đoàn kinh tế lớn vẫn đang ủng hộ Tổng thống Bouteflika. Nhiều người tham gia các cuộc cách mạng năm 2011 tại đây đã chết, bị cầm tù hoặc mất tinh thần.
Khác xa với sự hưng thịnh của kinh tế Trung Quốc hay Nga, là 2 hình mẫu mà các nước Arab đang hướng tới, xã hội các nước Arab lại một lần nữa khiến người dân cảm thấy chán nản và thất vọng. Kinh tế Ai Cập và Saudi Arabia chưa phát triển, cùng với tình trạng tham nhũng, chủ nghĩa tư bản nhà nước đang đẩy lùi đầu tư nước ngoài. Hai nước này cũng đang lãng phí hàng chục tỷ USD đầu tư vào các thành phố mới. Tương tự, ngân sách Algeria đang giảm sút do giá dầu giảm. Dự trữ ngoại hối đã giảm một nửa kể từ năm 2013, và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 11%, trong đó người trẻ tuổi thất nghiệp có tỷ lệ cao gấp đôi. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì 2/3 dân số Algeria (42 triệu người) dưới 30 tuổi.
Leslie Campbell, một chuyên gia kỳ cựu của Viện Dân chủ Quốc gia (Mỹ), tóm tắt bối cảnh khu vực Arab trong một bài tiểu luận gần đây: Sự tức giận vì tính kiêu ngạo và áp đặt của giới tinh hoa chính trị, quân sự và kinh tế cùng sự thất bại của chính phủ trong việc kìm hãm chi tiêu, chống tham nhũng gợi nhớ đến tâm trạng tương tự như những gì diễn ra trong năm 2010 và đầu năm 2011. Iraq đã phải hứng chịu bạo loạn vào mùa hè năm 2018 vì thiếu điện và nước. Các cuộc biểu tình bạo lực ở Bờ Tây của Palestine đã buộc Thủ tướng Palestine từ chức vào tháng 1. Tại Algeria, các cuộc biểu tình kéo dài đã khiến Tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải rút lại ý định ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ khác. Và ở Sudan, các cuộc biểu tình hàng ngày vẫn tiếp diễn bất chấp cả sự nhượng bộ và đôi khi trấn áp dữ dội của Tổng thống Omar Hassan al-Bashir. Tại Jordan, người dân tuần hành trên khắp đất nước để phản đối nạn tham nhũng. Ở Morocco, một cuộc mít tinh lớn của giáo viên vài tuần trước đã kết thúc với những tiếng hô vang đòi “chấm dứt chế độ độc tài”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các quốc gia này vẫn còn có cơ hội tranh luận cùng những người đứng đầu, các quan chức cấp cao vẫn có thể tiếp thu và phản ứng với một số yêu cầu thay đổi. Một sự thay đổi hòa bình và dân chủ của chính phủ, thủ tướng hay tổng thống với cam kết triệt tiêu tham nhũng và cải thiện các dịch vụ đang là giải pháp được chờ đợi. Bởi giờ đây, nhiều người nhận ra rằng cái giá của một cuộc nổi dậy khác sẽ quá cao. Ông Michele Dunne, học giả về cuộc cách mạng ở Cairo cho rằng, các nước Arab đang cần sự ổn định chính trị để mở đường cho hiện đại hóa nền kinh tế.