Đây cũng là mùa thứ 5 liên tiếp, lồng đèn Trung Quốc bị đánh bật khỏi thị trường, thay vào đó là hàng truyền thống được làm từ các vật dụng thô sơ lên ngôi.
Không như những mùa Trung thu trước, năm nay thị trường bánh trung thu khởi động khá muộn. Nhiều công ty cũng không công bố kế hoạch, sản lượng và giá cả sớm như mọi năm. Nguyên nhân có thể do sức mua bánh trung thu đã dần đi vào giai đoạn bão hòa. Tình trạng “người mua thì không ăn” và ngược lại đang giảm dần.
Công ty Mondelez Kinh Đô đến những ngày cuối cùng của tháng 8-2018, tức trước Tết Trung thu chừng 3 tuần mới có thông cáo báo chí về việc đưa ra thị trường hơn 80 loại bánh trung thu, nhưng hoàn toàn không có thông tin về sản lượng bánh cũng như mức độ tăng giảm so với năm trước. Cụ thể, bánh trung thu Kinh Đô tiếp tục sản xuất các dòng bánh với nguyên liệu đặc trưng như hạt sen, đậu xanh, lạp xưởng, gà quay, jambon, trứng muối… và nguyên liệu “thời thượng” như hạt chia, hạnh nhân, trà xanh, bào ngư, hải sâm, sò điệp…
Nắm bắt xu hướng sống khỏe của người tiêu dùng, năm nay Mondelez Kinh Đô lần đầu tiên sản xuất loại bánh không sử dụng đường tinh luyện, mà thay thế bằng đường năng lượng thấp. Bà Bùi Thị Thanh Huyền, Phó Tổng giám đốc Marketing của Công ty Mondelez Kinh Đô, khẳng định các sản phẩm của công ty đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng trên toàn hệ thống nhà máy của Mondelez International toàn cầu.
Ngoài phục vụ nhu cầu nội địa, bánh trung thu nhãn hiệu Kinh Đô và Oreo cũng được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… nhờ chất lượng tiêu chuẩn quốc tế với hương vị đa dạng. Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm bánh trung thu của công ty có giá dao động từ 40.000 - 480.000 đồng/bánh và 450.000 - 3.500.000 đồng/hộp.
Tương tự, Công ty Bibica cho biết đã đưa ra thị trường khoảng 600 tấn sản phẩm, tăng 10% sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có trên 60 chủng loại với 3 dòng chính: Bánh trung thu cao cấp, bánh trung thu dinh dưỡng và bánh trung thu truyền thống. Sản phẩm hiện được bán tại hơn 300 gian hàng và 12.000 điểm bán trên toàn quốc.
Bánh trung thu Thành Long tiếp tục tung ra các loại có hương vị truyền thống như vi cá gà quay, khoai môn, đậu xanh, xá xíu, gà quay, hạt sen và các loại mứt sấy dẻo. Đặc biệt, Thành Long cũng đẩy mạnh dòng bánh chay, bánh cho người ăn kiêng, bánh tươi… được nhiều khách hàng ưa chuộng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, chủ Cơ sở bánh mứt Thành Long, nhận xét đã và đang có sự cạnh tranh quyết liệt về bao bì sản phẩm, đặc biệt ở dòng bánh cao cấp. Lý do chính, khi mà các DN đã tối ưu hóa về dây chuyền, thiết bị, đồng thời tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu để đa dạng về hương vị, khẩu vị thì buộc các nhà sản xuất phải quay sang đầu tư về bao bì, mẫu mã để thu hút người tiêu dùng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bao bì hiện chiếm gần 30% giá thành của một chiếc bánh, tỷ lệ này là rất cao, gây lãng phí lớn cho người tiêu dùng và xã hội.
Lồng đèn - thời của hàng Việt
Cùng với bánh, lồng đèn là sản phẩm không thể thiếu của tết thiếu nhi. Tại khu vực phố lồng đèn trên đường Lương Nhữ Học (quận 5), chị Bình, chủ một gian hàng bán lồng đèn có thâm niên hơn 10 năm, cho biết so với những mùa trước, năm nay khách hàng đến đây chỉ chọn mua lồng đèn truyền thống. Thông thường, vào thời điểm từ 15 đến 30-7 Âm lịch, gia đình chị chủ yếu làm lồng đèn để bán sỉ, cung cấp cho bạn hàng ở các tỉnh. Nhưng sang đầu tháng 8 Âm lịch sẽ là cao điểm bán lẻ cho khách hàng tại TPHCM. Theo chị Bình, các loại lồng đèn làm mộc (tức chỉ có khung tre, dán giấy kiếng và vẽ đơn giản) có giá bình quân từ 45.000 - 70.000 đồng/chiếc, được bán nhiều nhất. Với các loại lồng đèn làm công phu hơn khi dán thêm hạt cườm, trang trí lông vũ có giá bán khá cao, từ 100.000 - 300.000 đồng/chiếc thì tương đối kén khách, chủ yếu được khách mua về làm vật dụng trang trí. Chị Bình cho biết thêm, trước đây điểm bán của chị chủ yếu tiêu thụ sản phẩm từ làng lồng đèn Bình Phú, nhưng có thời điểm, lồng đèn của Trung Quốc đánh bạt hàng Việt nhờ giá rẻ nên để tồn tại, gia đình chị chuyển hướng tự làm, tự bán. “Khoảng 5 năm gần đây, sản lượng bán ra năm sau luôn nhiều hơn năm trước, trở thành động lực cho cả nhà tôi yên tâm sản xuất để lưu giữ nghề truyền thống”, chị Bình tâm sự.
Tại khu vực lồng đèn Bình Phú (trên đường Lạc Long Quân, quận 11), chỉ còn một ít hộ gia đình miệt mài với nghề truyền thống. Anh Quốc Bảo (từng sản xuất lồng đèn truyền thống ở khu vực này) nói rằng, những năm qua, nhiều gia đình đã chuyển hẳn sang làm lồng đèn bằng giấy xếp hoặc đèn nhựa có nhạc. So với lồng đèn truyền thống, các loại lồng đèn mới có ưu thế hơn là vận chuyển dễ dàng, ít hao hụt và ít chiếm chỗ để hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu lồng đèn truyền thống “sống lại”, anh Bảo cho biết sẽ quay lại nghề truyền thống.
Theo ghi nhận, giá bán các loại lồng đèn năm nay tăng bình quân từ 5.000 - 10.000/ chiếc. Nguyên nhân do nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là các loại giấy màu tăng khá cao, cộng với chi phí vận chuyển tăng nên giá thành cũng tăng theo.
Lồng đèn truyền thống lên ngôi là nhờ ý thức của người tiêu dùng đang hướng về hàng Việt và người sản xuất cũng nỗ lực để đưa ra những sản phẩm đẹp hơn về hình thức, đa dạng mẫu mã và giá bán cạnh tranh. Trên thực tế, chỉ với những chiếc lồng đèn làm bằng tre nứa, dán giấy kiếng, cùng với chiếc bánh dẻo, bánh nướng đơn sơ, không vi cá, không hải sâm, mới có thể chuyển tải đầy đủ ý nghĩa của Tết Trung thu - Tết của trẻ em!
Nhiều siêu thị chỉ bán hàng Việt Để góp phần tôn vinh giá trị truyền thống, mùa Trung thu năm nay, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra, thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), khẳng định chỉ kinh doanh những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng của các thương hiệu uy tín trong nước. Đặc biệt, tất cả sản phẩm lồng đèn cũng 100% là hàng Việt nhằm an toàn cho trẻ em. Chất liệu chính của các sản phẩm này là giấy và nhựa an toàn, trang trí bằng các họa tiết và nhân vật dân gian, sử dụng pin và có kèm theo các điệu nhạc truyền thống. Giá bán trung bình từ 14.900 - 150.000 đồng/chiếc, tùy kích thước và chất liệu. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như bánh trung thu, bánh dẻo (nhân đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen, trà xanh, thập cẩm, gà quay, vi cá...), năm nay người tiêu dùng có thêm lựa chọn mới là bánh trung thu nhân mứt, nhân cà phê sữa, capuchino, sô cô la, nhân nấm đông cô, rượu rum… Tất cả sản phẩm đều có chứng nhận an toàn thực phẩm. Nhìn chung năm nay các thương hiệu bánh trung thu đều được đầu tư thiết kế bao bì đẹp, bắt mắt. Giá bán lẻ khoảng 80.000 - 350.000 đồng/bánh. Đặc biệt, từ nay đến ngày 24-9, Co.opmart Co.opXtra có chương trình giảm giá cho khách mua số lượng lớn hoặc mua hàng theo combo (hình thức mua sắm kết hợp nhiều mặt hàng) bánh trung thu, trà và cà phê. Tại hệ thống siêu thị khác như Big C, Lotte Mart, Emart… cũng bán đủ các loại bánh trung thu của những thương hiệu lớn với giá khá đa dạng, từ vài trăm ngàn đồng/hộp tới vài triệu đồng/hộp. Để kích cầu người tiêu dùng, các siêu thị trên còn thực hiện chiết khấu lên tới 15% cho những đơn hàng có giá trị từ 1 triệu đồng trở lên. |