Mưa trên mái lá

Mấy trận mưa đầu mùa sấm chớp đì đùng, rồi đến những ngày mưa dầm mưa dề, tía má bắt đầu tính chuyện cấy hái. Nhà nông sống với ruộng vườn, mùa mưa bắt đầu đủ thứ công chuyện trong nhà, ngoài đồng, từ đám mạ non đến ngày lúa chín vàng đồng là bao nhiêu ngày đủ mưa đủ nắng, đủ công người chăm chút.

Mưa trên mái lá

Sắp nhỏ trong nhà, mùa mưa là í ới nhau đi tắm mưa, lội sông hái bần. Nhưng được mấy bữa rồi cũng chán, chưa kể tắm mưa, lội sông về cảm lạnh bị má rầy cho mấy bữa, nên mùa mưa với tụi nhỏ buồn hiu, hết nằm lại ngồi trông mưa tạnh, trông trời hửng nắng lên để chạy qua nhà hàng xóm, rủ thằng Tí, con Mận tụm năm tụm ba.

Mưa ở vùng đất phương Nam không dầm dề như mưa xứ Huế, hay trữ tình theo kiểu mưa phùn ở xứ lạnh Đà Lạt… Nhưng cũng có ngày không thấy mặt trời đâu, mưa lúc lớn lúc nhỏ tới nửa đêm mới tạnh. Có bữa mưa trắng xóa con sông trước nhà, cả một triền đê dài hiu hắt theo tiếng mưa, chỉ thi thoảng thoáng có bóng người đi ruộng vội vã về nhà. Nhưng thích nhất là những trận mưa đêm, sáng ra trời mát mẻ, trong lành.

Dẫu nhịp sống hiện đại với nhà tường gạch, mái tôn đã phủ khắp thôn xóm, nhưng đâu đó trong ký ức, người ta vẫn nhớ một thời tiếng mưa trên mái lá. Với người miền Nam, nhất là miền Tây Nam bộ, cây dừa nước như sản vật trời ban, không cần ai chăm sóc vẫn xanh mướt trải dài khắp miền quê. Lá dừa nước có nhiều kiểu trưng dụng, nhưng phổ biến nhất có lẽ là lợp nhà. Tiếng mưa trên mái nhà lá lộp độp, êm đềm chứ chẳng làm ai mất ngủ vì ồn ào như mái thiếc, mái tôn.

Nhà lợp lá có 2 kiểu, lá xé (tàu dừa nước tách làm đôi) và lá chằm (cũng có nơi gọi là chầm), nhưng muốn chằm lá cũng phải là thầy thợ có tay nghề, dân tay ngang chỉ có thể đốn lá dừa nước chứ chằm không ra được. Nhà lá ở được mấy mùa mưa thì phải thay, lợp lại vì mưa nắng khiến lá mục, nhà bị dột. Nhiều chục năm về trước, hàng lu hứng nước mưa từ mái lá như thể gia tài của má để dành xài, tía hay nói nước mưa nhà lá ngọt hơn nhà tôn. Nhưng, đó là nhiều chục năm trước khi chất lượng không khí còn chưa quá ô nhiễm bởi khói bụi, nước mưa bây giờ cũng chỉ để rửa tay, rửa mớ rau hay mấy trái cà, trái ổi.

Nhà lá một thời là lựa chọn hàng đầu khi đời sống người dân còn khó khăn, kèo cột từ cây bạch đàn, khuynh diệp hay tre; lợp lá rồi dựng vách lá nữa là được một một mái nhà che nắng che mưa. Nhất là vợ chồng mới cưới muốn ra riêng, một mái nhà lá là vừa vặn mọi chi phí; chí thú làm ăn qua vài mùa khấm khá thì nâng cấp lên mái tôn, tường gạch là một hạnh phúc dung dị, bao người mơ ước.

Bây giờ, nhà lá trở thành “đặc sản” hoài niệm, nhiều quán cà phê, nhà hàng bắt đầu thiết kế không gian mái lá, tạo khung cảnh nhà xưa để thu hút khách. Cũng có nơi trưng dụng mái lá với lý do thân thiện môi trường, tạo cảnh quan thôn dã, gần gũi tự nhiên. Nhà lá được khoác lên mình một lý do hợp với xu hướng đương thời: sống xanh, thân thiện với môi trường… Dẫu là vì điều gì đi chăng nữa, mái lá vẫn có một chỗ riêng, một miền ký ức trong sâu thẳm biết bao người, những ngày nghe tiếng mưa lộp độp trên mái lá đã tưới mát tâm hồn nhiều thế hệ trong chặng dài trưởng thành. Để rồi giữa bao tiện nghi hiện đại, người ta vẫn tìm về mái lá, vách tre, quên đi những vội vã của nhịp sống đô thị, để một chiều chợt nghe tiếng mưa trên mái lá, nâng niu từng giọt nước mát lành.

Tin cùng chuyên mục