Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay trạng thái đang chi phối thời tiết ở nước ta là La Nina (pha lạnh với đặc điểm chung là gây mưa nhiều, mát mẻ và lạnh). Dự báo trạng thái La Nina sẽ còn tiếp tục duy trì trong 2-3 tháng tới của năm 2018. Mùa bão năm 2018 có khả năng sẽ bắt đầu sớm ở Bắc biển Đông (hiện tại vẫn chưa phải là mùa bão năm 2018, thông thường rơi vào tháng 5 và 6). Nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 5-2018 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Lượng mưa các khu vực phía nam có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm trong ba tháng tới, ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa trong tháng 3-2018.
Trong 3 tháng tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2017. Xâm nhập mặn ở khu vực Nam bộ sẽ ở mức thấp hơn so với trung bình mọi năm và tương đương cùng kỳ năm 2017.
Còn theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng – thủy văn Quốc gia, hình thái đáng quan tâm hiện nay ở khu vực phía nam là mưa trái mùa gia tăng nhưng không phải trên diện rộng mà chỉ là mưa rào cục bộ, có địa điểm có, có địa điểm không.
Một số nơi khi xuất hiện mưa trái mùa thường gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ví dụ như hoa cà phê, sầu riêng, xoài đang thụ phấn, gặp mưa sẽ giảm năng suất đáng kể. Hoặc tại các vùng nuôi tôm Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… nếu mưa trái mùa sẽ làm gia tăng dịch bệnh, làm tôm chết. Vì thế, đã có một vài địa phương đề nghị bổ sung vào Luật Phòng chống thiên tai thêm một loại hình thời tiết nguy hiểm gây thiệt hại tới sản xuất là mưa trái mùa.
Trong số 21 loại hình thiên tai trên thế giới, hiện nay Việt Nam đang phải hứng chịu tới 20 loại hình thiên tai, bao gồm cả động đất nhưng chưa có mưa trái mùa.