Lỗ nặng
Bình Phước là một trong những tỉnh có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất cả nước (16.855ha) được trồng tập trung ở các huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập với sản lượng 25.000 tấn. Vụ thu hoạch năm nay, toàn tỉnh có hàng trăm hécta tiêu chết do nhiễm bệnh, mùa màng thất thu và giá rớt thê thảm khiến nhiều hộ điêu đứng.
Gia đình ông Lê Công Chóng (ngụ xã Bình Tân, huyện Phú Riềng) có 3.000 trụ tiêu, vụ mùa trước, thu về hơn 5 tấn nhưng từ đầu năm 2019, hồ tiêu nhiễm bệnh khiến hơn 1.000 dây tiêu chết chậm, năng suất giảm, ước thu về chỉ gần 1 tấn. Với giá tiêu hiện dao động 37.000 - 40.000 đồng/kg, không đủ chi trả công xay, phơi, tưới tiêu, chăm sóc, phân bón; gia đình đã bỏ ra hàng chục triệu đồng mua lưới trải dưới gốc để hứng những chuỗi tiêu chín rụng.
Không khí ảm đạm cũng bao trùm lên mảnh vườn với 4.000 trụ tiêu của gia đình bà Lê Thị Chính (ngụ xã Tân Thành, huyện Bù Đốp). Bà buồn rầu cho hay: “Năm nay nhân công thu hái hiếm nên chỉ có 2 vợ chồng và 1 công hái. Mỗi năm tiêu trúng mùa thì trung bình mỗi công hái được khoảng 15kg tiêu khô, chứ giờ thất mùa chỉ tầm 10kg thôi mà tiền công lên đến 150.000 - 160.000/ngày/người. Do thu không đủ bù chi nên vụ này gia đình lỗ nặng”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, mấy năm qua giá tiêu xuống thấp, nhiều hộ không còn đầu tư, chăm sóc vườn tiêu như trước đây. Nhiều vườn tiêu đã kiệt sức nên năng suất giảm, dẫn tới sản lượng có thể giảm tới 20%. Tuy nhiên, lượng tiêu hàng hóa vẫn rất dồi dào từ những vụ trước còn tồn trong nhiều hộ dân, cơ sở, doanh nghiệp do “găm hàng” đầu cơ để chờ giá lên.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Nguyễn Thuận Quang (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cho biết, năm nay hồ tiêu chín muộn nên ngay từ sau Tết Nguyên đán, gia đình đã tìm người thu hoạch 2,5ha tiêu. Sau cả chục ngày chạy đôn chạy đáo tìm người hái thuê nhưng vẫn không đủ vì giá nhân công thấp, gia đình anh phải huy động người thân ra vườn tiêu thu hoạch. Theo các hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức, giá tiêu hiện tại thương lái thu mua cũng chỉ từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, trong khi đó giá nhân công khoảng 250.000 - 280.000 đồng/ngày/công, chưa kể chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chăm sóc ban đầu nên đa số người trồng tiêu đều lỗ.
Xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, với trên 1.600ha. Tình trạng nơi đây cũng không hề sáng sủa.
Tìm hướng ra
Xã Đắk Ơ từng được coi là vùng chuyên canh hồ tiêu trù phú nức tiếng ở miền biên giới huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, trong vòng 2 năm đã tiêu điều vì hồ tiêu bị bệnh gây thiệt hại gần 800ha trên tổng diện tích 1.540ha hồ tiêu toàn xã, khiến 1.716 hộ trồng tiêu khốn đốn. Điển hình là ông Điểu Pré (người dân tộc S’tiêng) với hơn 4.000 trụ hồ tiêu thì đã có trên 2.000 trụ nhiễm bệnh chết héo. Hiện gia đình ông còn nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng chưa trả được. Tính đến hết tháng 10-2019, dư nợ cho vay của Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Bù Gia Mập là 570 tỷ đồng của 1.600 người vay đầu tư chăm sóc phát triển hồ tiêu.
Tỉnh Bình Phước đang hành động quyết liệt để hỗ trợ các nông hộ trồng tiêu và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn UBND huyện Bù Gia Mập rà soát, lập danh sách cụ thể từng trường hợp và đề xuất hướng giải quyết; báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ.
Còn tại Đồng Nai, người trồng tiêu đang tính đến phương án thay thế bằng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Do giá tiêu xuống thấp trong thời gian dài nên nông dân trên địa bàn huyện đã chặt bỏ 750ha tiêu để chuyển sang trồng chuối, bưởi da xanh... Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai Nguyễn Thành Vinh, sở đã khuyến cáo người dân địa phương ngưng mở rộng diện tích; đồng thời để giải bài toán đầu ra bền vững cho cây tiêu nói riêng, Đồng Nai đang triển khai các dự án cánh đồng lớn sản xuất an toàn, liên kết doanh nghiệp bao tiêu, tập trung phát triển ngành chế biến để tăng giá trị cho nông sản.