
Vùng Bãi Ngang gồm có 7 làng ven biển, làng tôi lại thuộc về Bãi Dọc, cách nhau bởi con sông Mai Giang (hay còn gọi là sông Mơ). Dù không phải dân biển, nhưng suốt thời thơ ấu, sứa đã trở thành niềm mong ngóng của tôi và lũ bạn vào mỗi độ tháng ba. Mong ngóng khi đó không chỉ là thú vui thời thơ ấu, mà còn là món ăn đậm đà vị quê.
Có lẽ, không có món ăn nào đơn giản, dễ làm như sứa. Theo sóng biển, sứa dạt vào bờ. Có những ngày may mắn, chỉ cần ra đến sông Mơ là chúng tôi đã có thể bắt được mấy con sứa mà không cần phải chạy ra tận ngoài biển. Sứa được chúng tôi bắt lên, dùng dao hoặc một chiếc que chiết xung quanh để lấy rìa và chân. Sau đó dùng cát biển xoa nhiều lần làm sạch màng ngoài và chất nhớt ở chân. Những phần sứa bỏ đi, lũ chúng tôi sẽ cắt ra thành những lát nhỏ rồi nghịch đùa với nhau. Những lát sứa khi đó sẽ trở nên trong veo, mà trong mắt chúng tôi lúc đó không khác gì những viên kim cương lóng lánh.
Nghịch chán chê, chúng tôi liền mang sứa về nhà cho mẹ làm sạch, rửa qua nước nhiều lần trước khi cắt thành những miếng vừa ăn. Bấy giờ, sứa sẽ được đựng trong một chậu thau, chờ nồi lá chát nguội rồi cho vào. Lá chát ở đây gồm lá ổi hoặc lá bàng, được rửa sạch rồi vò nát, sau đó đun sôi kỹ để lấy nước. Đến chừng nước âm ấm thì đổ vào chậu thau để ngâm sứa. Nhờ có nồi lá chát này mà sứa trở nên cứng hơn, có màu vàng nhạt, và đặc biệt là ăn không bị tanh, không lo đau bụng.

Lúc này, ai thèm quá có thể bốc một miếng sứa để ăn trước. Nhưng thực tình, nếu ăn sứa mà thiếu đi bát ruốc (mắm tôm) sẽ là một thiếu sót rất lớn. Ruốc được mẹ tôi rót ra bát con, pha thêm một ít mì chính (bột ngọt), cho thêm ớt cay rồi nặn chanh vào, tất cả được đánh bông lên. Sứa múc ra hai bát tô, mọi người cùng quây lại, chậm rãi lấy một miếng sứa, chấm qua ruốc rồi đưa lên miệng. Chân sứa giòn sần sật, thân sứa lại trông giống như những miếng thạch vừa được lấy từ tủ lạnh ra. Vị mằn mặn của sứa biển, của ruốc, vị cay của ớt, vị chát của lá ổi, tất cả như đang tan ra trong miệng.
Khác với ngày xưa, sứa giờ đây đã trở thành một đặc sản được đưa vào trong các nhà hàng, hay phân phối ra các thành phố lớn làm nộm (gỏi), ăn cùng bún… Bởi vậy, để ra biển bắt sứa không phải là việc dễ dàng. Những năm cuối đời, không hiểu sao cha tôi bỗng nhiên lại thèm sứa biển. Biết cha thèm sứa nên có lúc tiện đường ra chợ, chị gái tôi lại mua về một bát để cha tôi ăn cho thỏa cơn thèm. Hôm nào chị gái tôi bận công việc, không qua nhà được, thì đích thân cha tôi ra chợ mua về. Nhà cách chợ dăm trăm mét nên cũng chỉ mươi phút đi bộ là tới. Tiếc rằng, năm đó đã là lần cuối cùng cha tôi được ăn sứa, mà bấy giờ sứa cũng khan hiếm, không còn dồi dào như xưa.
Mùa sứa năm nay lại về. Tôi đã xa nhà hơn chục năm, mà sao mỗi tháng ba về, lòng vẫn cứ cồn cào, không biết lấy gì để xoa dịu.