Theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, từ nửa cuối năm 2022 đến nay, tình hình kinh tế có nhiều biến động ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, từ đó hình thành 2 nhóm tiêu dùng. Nhóm 1 là người có điều kiện, thu nhập cao vẫn lạc quan vào chi tiêu; nhóm 2 là người có thu nhập thấp nên cắt giảm chi tiêu hoặc tìm phương án chi tiêu tối ưu nhất để đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng của gia đình.
Thực tế, nhiều người tiêu dùng ở các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội gần đây cũng chia sẻ phải tiết giảm nhiều chi phí so với đầu năm. Chị Ngô Mai Anh (ngụ quận 8, TPHCM) cho hay, vợ chồng chị cùng làm tại một công ty vật liệu xây dựng nhưng gần đây sức mua sụt giảm nên doanh số của doanh nghiệp không mấy khả quan. “Thu nhập giảm nên tôi phải cân nhắc nhiều hơn trong các khoản chi tiêu. Nhiều khả năng dịp lễ tết sắp tới tôi không thể dành nhiều cho mua sắm mà phải tiết kiệm lại”, chị Mai Anh chia sẻ. Trong khi đó, chị Hồ Thị Hương (ngụ TP Hà Nội) cho biết, đã điều chỉnh lại chi tiêu của gia đình, khi mua sắm chỉ hướng tới những sản phẩm có giá cạnh tranh thông qua khuyến mãi giảm giá hoặc quà tặng kèm. “Giờ cứ nhãn hàng nào giảm giá là tôi sẽ cân nhắc mua sắm”, chị Hương nói.
Những thay đổi hành vi mua sắm nói trên đặt ra thách thức buộc các doanh nghiệp phải tìm cách thỏa mãn được nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau. Nhiều doanh nghiệp khẳng định, ngoài việc giữ giá và chất lượng sản phẩm còn chọn giải pháp bán qua các nền tảng xã hội để tiết giảm chi phí cấu thành vào sản phẩm. Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Sông Hương Foods, cho biết, doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, nhất là Tiktok. Cũng theo ông Tuấn, ngoài thị trường nội địa, thời điểm cuối năm và tết, kiều bào xa quê rất mong muốn tìm đến những sản phẩm quê hương như cà pháo, mắm cà pháo, bánh nậm, bánh lọc… Do đó, Sông Hương Foods đã cấp đông nhiều sản phẩm để mang qua Mỹ cho người Việt sử dụng, nhất là dịp tết. Đáng mừng là những thay đổi của doanh nghiệp đã có dấu hiệu tích cực khi cách đây ít ngày, đối tác của công ty tại Mỹ đã đề nghị đặt hàng cho mùa tết năm nay với lượng hàng tăng 50% so với dịp tết năm ngoái.
Ở góc độ nhà phân phối, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, chia sẻ, gần đây nhiều nhà cung cấp có yêu cầu tăng giá sản phẩm vì nhiều chi phí đội lên, song Saigon Co.op chưa chấp nhận bởi sức cầu của thị trường yếu. Trong bối cảnh giá hàng hóa đang “nhấp nhổm” tăng như hiện nay, nhà bán lẻ này sẽ làm việc với từng nhà cung cấp, cùng nhau chia sẻ để có giá bán hợp lý với người tiêu dùng.
Theo đánh giá của Kantar Việt Nam, ở giai đoạn khó khăn hiện nay, doanh nghiệp cần cân đổi danh mục sản phẩm của mình, để vừa có những sản phẩm thu hút người tiêu dùng, thêm nhiều giá trị và tính cá nhân hóa cao hơn. Ngoài ra, cần có những hoạt động kích cầu để tiếp tục giữ chân khách hàng trung thành. Đây cũng là điều dễ hiểu khi các doanh nghiệp từ sản xuất tới phân phối đều đang rất nỗ lực trong việc tìm kiếm sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng. Đặc biệt, cả nhà sản xuất lẫn phân phối đều thừa nhận, việc giảm giá vào thời điểm cuối năm sẽ là giải pháp tốt nhất để thu hút khách. Do đó trong chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp đều khẳng định sẽ thực hiện giảm giá, khuyến mãi cho sản phẩm từ 20% đến trên 50%.
Cụ thể, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, năm nay, các sản phẩm giỏ quà tết của doanh nghiệp này sẽ giảm giá khoảng 40% nhưng chất lượng không đổi. Theo tiết lộ của ông Thông, để kinh doanh hiệu quả, mỗi doanh nghiệp cần nắm rõ sự thay đổi của thị hiếu, thói quen và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Đặc biệt phải cân bằng giữa chất lượng sản phẩm với giá cả phù hợp, làm mới sản phẩm theo xu hướng “xanh” từ bao bì đến thành phẩm… Tương tự, nhà bán lẻ Saigon Co.op cũng cho biết sẽ có những chương trình giảm giá luân phiên từ nay đến Tết Nguyên đán cho người tiêu dùng. Mức giá giảm linh hoạt từ 30%-50% và các đợt giảm giá được chia theo từng nhóm hàng để người tiêu dùng dễ dàng mua sắm. Đặc biệt, nhà bán lẻ này đang kết hợp với các công ty tài chính, ví điện tử để mang tới các hình thức thanh toán như chuyển khoản, quét mã QR… Theo đó, khách hàng đã được giảm giá trực tiếp trên sản phẩm khi mua sắm nhưng với việc thanh toán không tiền mặt này sẽ tiếp tục được giảm giá thêm.