Mua sắm online được ưa chuộng
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen được NTD lựa chọn. Và để đạt được kết quả này, các “chợ online” đã thu hút NTD nhờ giá cả ngày càng hợp lý, giao hàng nhanh, hàng hóa đa dạng và tươi ngon. Bên cạnh đó, các chương trình giảm giá, khuyến mãi, tích điểm, tích voucher để giảm giá cho lần mua tiếp theo cũng là một trong những nguyên nhân khiến người mua quay trở lại “chợ online” thường xuyên.
Báo cáo từ Deloitte năm 2022 cho thấy, bách hóa trực tuyến là ngành duy nhất duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam. Theo đó, có hơn 50% NTD giảm tần suất đến siêu thị, chợ truyền thống và thay đổi sang hình thức mua sắm trực tuyến. Đáng chú ý, các hệ thống siêu thị, nhà bán lẻ cũng phát triển kênh mua sắm trực tuyến qua ứng dụng, website, trang thương mại điện tử...
Báo cáo gần nhất của Google về thị trường Việt Nam ghi nhận, lượng tìm kiếm từ khóa “mua online” tăng hơn 42%. Mỗi tuần, một người sử dụng trung bình 22 ứng dụng smartphone, bao gồm app mạng xã hội, game, app xem phim/video, mua sắm, giao đồ ăn… Các chỉ số cho thấy, xu hướng hành vi NTD đang sử dụng các kênh kỹ thuật số như một kênh hữu ích để quyết định mua sắm. Dự báo, xu hướng này sẽ phát triển mạnh mẽ và phủ rộng ở nhiều khu vực hơn. Một năm nay, việc đặt các loại thực phẩm hàng ngày qua ứng dụng app Saigon Co.op hay GrabMart đã trở thành thói quen của chị Ngô Vân Anh (quận Tân Bình, TPHCM). Theo chị Vân Anh, nhờ đặt qua ứng dụng, chị tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho việc phải tới trực tiếp siêu thị như trước đây. Đó là chưa kể, khi mua sắm online, chị vẫn được hưởng các chương trình khuyến mãi, tặng kèm như mua sắm trực tiếp, thậm chí còn được tích điểm để mua sắm lần sau.
Bán lẻ truyền thống tìm cách thích ứng
Trong khi xu hướng mua sắm online có xu hướng tăng lên thì ở các chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ, sức mua có phần chậm lại. Bà Nguyễn Thị Tố Tâm (chủ một sạp kinh doanh tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ, so với trước dịch, sức mua trực tiếp tại sạp chợ đã giảm tới 50%. “Giờ khách tới mua chủ yếu là khách quen nên tôi buộc phải đưa hàng lên Zalo, facebook… để tiếp cận khách hàng mới”, bà Tâm cho biết.
Không riêng chợ truyền thống, mà ngay các siêu thị hiện đại cũng ghi nhận lượng khách đến mua sắm có phần sụt giảm so với trước đây. Trước xu thế đó, để thích ứng, các nhà bán lẻ khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số. Chẳng hạn, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã và đang thúc đẩy song song cả mô hình bán trực tiếp và online. Năm 2023, nhà bán lẻ này dự kiến phấn đấu doanh thu từ bán lẻ online sẽ tăng khoảng 50% so với năm 2022. “Trong năm 2023, Saigon Co.op sẽ củng cố, thúc đẩy thương mại điện tử, đó là xu hướng tất yếu. Trong đó, tích hợp trải nghiệm khách hàng tốt hơn thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)... Dùng công nghệ thấu hiểu hơn hành vi của khách hàng, có tính dự báo thị trường để dẫn dắt thị trường, qua đó kết nối giữa NTD và nhà cung cấp hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám Saigon Co.op, chia sẻ.
Theo đó, Saigon Co.op sẽ đồng bộ hệ sinh thái chăm sóc khách hàng thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khách hàng mua sắm từ các hình thức Zalo, điện thoại, email sang website, app; cải thiện và nâng cao các tính năng của ứng dụng Saigon Co.op; hướng đến xây dựng siêu ứng dụng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của NTD. Nhà bán lẻ này cũng xây dựng và triển khai mô hình cửa hàng chuyên phục vụ đơn hàng online (không phục vụ khách hàng mua trực tiếp), vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến gắn liền với các điểm bán vật lý…