Thúc đẩy các kênh mua sắm an toàn
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thị trường hàng hóa tiêu dùng ở TPHCM dù không sôi động như các năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song cũng nhộn nhịp hơn nhiều so với thời điểm tháng 12-2021. Các DN sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn TPHCM cho biết, từ đầu tháng 12-2021 tới nay họ đã bước vào giai đoạn cao điểm cung cấp hàng hóa cuối năm. Đặc biệt, các DN cung cấp hàng hóa theo tâm thế “thừa hơn thiếu” nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân.
Đáng chú ý, so với các năm trước, năm 2022 tình hình cung ứng hàng hóa của DN sẽ theo hướng an toàn, tiện lợi bởi dịch bệnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Thêm vào đó, sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, người tiêu dùng thành phố đã quen dần với phương thức mua sắm hiện đại như mua hàng online, thanh toán số.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Xu hướng các đợt dịch trong 2 năm qua đã đẩy mạnh điện toán hóa, số hóa, qua đó hoạt động kinh doanh phân phối cũng tập trung nhiều hơn đến hình thức phân phối online. Cùng đó, các giao dịch, phương thức thanh toán cũng thay đổi, DN bán lẻ nói chung và Saigon Co.op nói riêng đang chuẩn bị khá tốt cho việc thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc để phòng chống dịch bệnh”.
Đối với việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường phù hợp với xu thế người tiêu dùng cũng như đem đến sự tiện lợi, an toàn trong mùa Tết, theo ông Nguyễn Anh Đức, năm nay Saigon Co.op chuẩn bị 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm công cụ online, trong đó có website, ứng dụng trên điện thoại. Ngoài kênh mua sắm tại siêu thị, bà con có thể vào các kênh này. Hàng hóa được bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của bà con và hỗ trợ của các ngành liên quan như logistics…
Nhóm thứ hai phục vụ cho công tác online, số hóa: Saigon Co.op đang phối hợp với các đơn vị bạn để mượn sàn giao dịch tạo thành điểm giao dịch chung, một sàn phân phối các mặt hàng đến bà con tại các kênh phân phối đó. Nhóm thứ ba là phục vụ đa phần bà con muốn mua sắm trực tiếp. Nhóm này được Saigon Co.op chuẩn bị khá thận trọng và kỹ lưỡng. Những phương thức đã chuẩn bị trong đợt dịch sẽ tiếp tục, những dịch vụ đi chợ giúp, mua chung cũng sẽ tiếp tục thực hiện để hỗ trợ bà con mua sắm.
“Cùng với những sáng tạo xuất phát từ tâm của mình như Tết gắn kết tình thân, làm cho Tết xa về mặt địa lý nhưng gần về mặt tình cảm thì chúng tôi nghĩ đến cách đặt hàng bất cứ nơi nào, chúng tôi cũng sẽ phân phối, giao hàng cho bà con đến nơi đó, kể cả vùng núi, hải đảo”, ông Đức chia sẻ thêm.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Thời điểm cuối năm, cùng với sự chuẩn bị hàng hóa và phương thức phân phối tới người tiêu dùng, việc kiểm soát an toàn cho hàng hóa, nhất là với những sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến rất quan trọng. Chính vì vậy các DN khẳng định tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giai đoạn kinh doanh cao điểm này, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm thời vụ Tết.
Bên cạnh sự chủ động của DN, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, cho biết, thời điểm Tết là cao điểm mua sắm nên đơn vị đang tập trung toàn lực, thành lập 11 đoàn kiểm tra ở các quận huyện, chợ đầu mối trên toàn thành phố. “Việc kiểm tra diễn ra liên tục, thường xuyên tới mức chúng tôi nghe hộ kinh doanh cá thể than phiền, sau dịch đang rất khó khăn mà sao kiểm tra nhiều quá. Dù vậy, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bắt buộc phải nghiêm túc và Ban An toàn thực phẩm TPHCM đang tập trung toàn lực để làm”, bà Phong Lan cho biết.
Trên thực tế, việc kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm được các đơn vị, ban ngành của TPHCM thực hiện suốt năm chứ không đợi đến Tết. Dù vậy, thời điểm Tết luôn là cao điểm mua sắm, nhiều đối tượng trục lợi nên ngoài Ban An toàn thực phẩm thành phố, các đơn vị khác trên địa bàn như quản lý thị trường, lực lượng chức năng các quận huyện sẽ phối hợp để tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu lớn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng.
* Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM: Người tiêu dùng phải tự bảo vệ bằng cách mua thực phẩm tại các địa chỉ uy tín, chất lượng, tránh mua tại các điểm bán không rõ nguồn gốc. Nếu có bất cứ vấn đề nào liên quan đến an toàn thực phẩm, người dân cần phản ánh ngay với cơ quan chức năng. |