Mùa sách hè cho thiếu nhi: Dấu ấn sân nhà

Sách thiếu nhi trong nước ngày càng giữ vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong thị trường xuất bản. Mùa sách hè năm 2024 là một minh chứng cụ thể cho điều đó.

Các em nhỏ tìm mua sách trong một hội sách được tổ chức tại TPHCM. Ảnh: QUỲNH YÊN
Các em nhỏ tìm mua sách trong một hội sách được tổ chức tại TPHCM. Ảnh: QUỲNH YÊN

Đáp ứng nhu cầu của xã hội

Đại diện Đường sách TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, sau hơn 4 tháng hoạt động, doanh thu tại đây đạt 4,5 tỷ đồng với hơn 61.262 cuốn sách được bán ra. Trong đó, sách thiếu nhi đạt gần 900 triệu đồng (chiếm 20% tổng doanh thu) với hơn 31.000 cuốn (chiếm 51%). Trước đó, năm 2023, doanh thu tại Đường sách TPHCM đạt 59,3 tỷ đồng với khoảng 758.000 cuốn bán ra, riêng sách thiếu nhi đạt 7,88 tỷ đồng (chiếm 13,3%) với trên 166.000 cuốn (21,9%).

Theo ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM, những con số trên phản ánh được sự quan tâm của các bậc phụ huynh thông qua việc mua sách để con cái đọc, học và giải trí. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, không ít phụ huynh cảm thấy nguy cơ nhất định trước việc con em đang lạm dụng thời gian cho việc sử dụng điện thoại thông minh, chơi game, mạng xã hội. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh thấy cần phải cho con em mình đến với sách. “Chưa bao giờ sách thiếu nhi trong nước được xuất bản nhiều và chất lượng như hiện nay. Điều này được chứng minh qua những bộ sách đoạt Giải thưởng sách quốc gia dành cho thiếu nhi thời gian qua”, ông Lê Hoàng nhận xét.

Không chỉ có sách giấy mà thị trường sách thiếu nhi còn trở nên đa dạng hơn với sự xuất hiện của loại hình sách nói. Điều này không chỉ đáp ứng xu hướng chuyển đổi số hiện nay, mà còn đáp ứng nhu cầu của phụ huynh lẫn các em nhỏ. Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Ứng dụng sách nói Voiz FM, cho biết, hiện tại Voiz FM đang có khoảng 200 nội dung dành cho thiếu nhi, và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.

“So với các dòng sách khác, số lượng này còn khá khiêm tốn vì bản chất các bé chưa tự sử dụng ứng dụng trên điện thoại được mà còn phụ thuộc vào cha mẹ. Tuy nhiên, đây vẫn là một sản phẩm không thể thiếu, vì đối tượng khách hàng chủ chốt của Voiz FM thuộc vào độ tuổi 25-35. Đây là độ tuổi đang có con nhỏ, nên với các sản phẩm này, các bậc phụ huynh sẽ có thêm một lựa chọn giải trí - giáo dục cho các bé vào ban đêm trước khi đi ngủ hoặc khi cả nhà cùng du lịch đường dài”, ông Lê Hoàng Thạch thông tin.

“Hưởng lợi” từ các giải thưởng

Dịp hè năm nay, có nhiều giải thưởng sách cho thiếu nhi đã và đang được tổ chức. Một mặt, các giải thưởng đã tạo ra không khí sáng tác sôi nổi cho các tác giả trong nước, nhưng đồng thời cũng mang đến nguồn bản thảo dồi dào, nhất là được bảo chứng bằng những giải thưởng, hứa hẹn sẽ là những ấn phẩm thú vị và hấp dẫn dành cho các em.

CN3 tieu diem.jpg
Tìm đến sách, không quá lạm dụng thời gian cho game, mạng xã hội... đang là mong muốn của không ít phụ huynh hiện nay. Ảnh: QUỲNH YÊN

Sau 3 tác phẩm đầu tiên được ra mắt, NXB Kim Đồng tiếp tục giới thiệu loạt tác phẩm cả văn xuôi lẫn thơ từ Giải thưởng văn học Kim Đồng 2023-2025, gồm: Đại náo nhà ông ngoại, Hải Âu đi tìm cha, Nết Na và Cù Nhây, Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh, Hạt bắp vỗ tay, Chú dế đêm trăng... Vào năm ngoái, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đã trao 4 giải Khát vọng Dế Mèn, trong đó có 2 bản thảo: Ở một nơi có rất nhiều rồng (Mộc An) và Vua ngan xóm hồ (Uông Triều). Hiện tại, truyện dài Ở một nơi có rất nhiều rồng đã được NXB Kim Đồng phát hành, còn Vua ngan xóm hồ đang chuẩn bị xuất bản. Riêng một trong hai tặng thưởng là chùm bản thảo Tôi, bố tôi, và… và Từ những bức thư của Đoàn Lữ Thụy Phương (12 tuổi) cũng đã được in thành sách vào đầu năm nay với tên gọi Bố con cà khịa và những bức thư.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn năm 2024 cũng vừa được công bố. Trong số những tác phẩm đoạt giải Khát vọng Dế Mèn có 2 bản thảo là truyện dài Dưới khung trời ngát xanh (Lữ Mai) và tranh truyện Thư viện kỳ bí (Lê Sinh Hùng, 14 tuổi). Cùng với đó là tặng thưởng dành cho bản thảo truyện dài Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò (Đặng Chương Ngạn).

Trong số 16 tác phẩm đoạt giải Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 năm 2021-2023 do Hội Nhà văn Việt Nam phát động, có rất nhiều tác phẩm đang ở dạng bản thảo, như: Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp; Hạt dẻ ơi, về nhà thôi; Con cáo lửa; Đi bắt nỗi buồn; Sông vừa đi vừa lớn; Cái bếp kể chuyện; Mặt trời khỏi ốm; Áo đất, áo trời; Ai giàu nhất; Lòng tốt ở lại. Các tác phẩm này nhận được sự đón chờ của bạn đọc và hầu hết đã được gửi đến các đơn vị xuất bản, chờ ngày được ra mắt.

Ông Lê Hoàng cho rằng, hiện tại, chất lượng sách thiếu nhi trong nước không phải là vấn đề đáng lo ngại. Bởi bản thân các đơn vị xuất bản luôn có ý thức tìm kiếm những đề tài, nội dung mới lạ, độc đáo để khẳng định mình cũng như chinh phục bạn đọc. Tuy vậy, điều khiến ông Lê Hoàng bận tâm chính là số lượng người đọc thiếu nhi mua sách chưa nhiều. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải cố gắng tác động hơn, truyền thông mạnh hơn, tạo điều kiện để sách đến với gia đình, đến với các em nhiều hơn.

“Nhiều người hay so sánh sách thiếu nhi trong và ngoài nước, tuy nhiên, điều này theo tôi là chưa công bằng. Sách nước ngoài khi được xuất bản ở Việt Nam thường là những cuốn sách hay, được sàng lọc và chọn lựa kỹ lưỡng trên toàn thế giới. Nhưng sách thiếu nhi trong nước cũng có một ưu điểm rất lớn với bạn đọc nhỏ tuổi, đó là sự gần gũi về văn hóa, địa danh, thậm chí là tên nhân vật. Thực tế, sách thiếu nhi Việt đang ngày càng hay hơn, điều này thể hiện rõ ở việc đã có nhiều tác phẩm được các NXB trên thế giới mua bản quyền”, chị Võ Thiên Hương, đại diện NXB Kim Đồng, chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục