Lướt một vòng trên phây, ngó qua “nhà hàng xóm”, thấy ai cũng cảm xúc dạt dào, bởi sợ đường ngập, nhà dột, cây đổ. Còn tôi lại nhớ đến lạ mùa mưa quê ngoại.
Quê tôi ở miền Tây sông nước. Trời mưa thì cơ man là nước, nước trên bờ, dưới ruộng, rồi nước tràn bờ. Lũ trẻ con ở quê, đứa quần cụt, đứa chẳng thèm mặc đồ, đen nhẻm ra tắm mưa ở bờ ruộng. Đủ trò trên ruộng, từ xô nhau, té nước, rồi mò mẫm mò cua bắt ốc, chụp mấy con cá nhoi lên bờ. Tiếng trẻ con cười vang dội vùng quê.
Mưa ráo, mỗi đứa hốt về một chút chiến lợi phẩm, đứa con cá con tôm, đứa mớ ốc sau vườn. Còn ngoại thì lặng lẽ ra góc vườn bới mấy củ khoai lang rồi rửa sạch ở khạp nước mưa mới hứng sau nhà. Ngoại bảo, mưa xuống phải bới khoai liền liền. Để lâu chút, nước ngập, ngấm vô là lạt nhách, hết cả vị.
Minh họa: D.KHANH
Lau người thay đồ xong, đám nhỏ trong nhà ra ngồi chầu hẫu bên nồi khoai của ngoại. Nghe tiếng nước reo, rồi mùi khoai thơm bừng khoang mũi hấp dẫn lạ thường bên bếp than củi cháy lách tách. Ước chừng thì ngoại dỡ nắp nồi, lôi cái rế ra rồi sắp khoai đầy nhóc. Củ khoai căng tròn, tím sẫm, có chỗ còn hơi khen khét bởi nước cạn đáy nồi.
Đứa nào cũng tranh giành bằng được củ khét đó bởi nó thơm lạ kỳ. Nhưng ngoại đã lấy ngay củ khoai, dúi vô tay tôi bởi tôi là đứa nhỏ nhất nhà. Củ khoai được bọc trong vạt áo, mỗi đứa chiếm lĩnh một xó bếp, hì hụi bóc bóc nhai nhai, thậm chí lúc làm biếng còn nhai luôn cả vỏ. Chẳng sao hết. Sau một hồi vẫy vùng dưới ruộng, củ khoai khét lúc đó là tuyệt phẩm của những đứa trẻ quê.
Có những ngày mưa to, đám cá rô, cá lóc từ ruộng tràn lên bờ. Tụi nhỏ hào hứng bắt cho vào giỏ xách về. Ngoại lại hì hụi lôi ra cái nồi đất đen sì, chắc cũng chục năm làm nhiệm vụ kho cá. Ngoại rửa sạch mấy con cá, bứt đám lá gừng, nhổ củ sả ngoài đầu ngõ, cho miếng nước mắm, miếng tiêu và chút đường vô nồi đất, rưới vô miếng mỡ nước trong cái khạp cất trên gác-măng-giê.
Tối hôm đó, là đại tiệc của đám nhỏ. Nồi cơm trắng bay vèo, nồi cá còn nhín lại chút nước cũng được đám nhỏ cạo lớp cháy trong nồi quẹt sạch. Có vậy thôi mà mưa quê làm cho đám nhỏ sung sướng đến lạ.
Rồi mùa lũ miền Tây đổ về. Quê nhà trắng xóa, kết hợp thêm món mưa dầm thì chẳng đứa trẻ nào vui nổi vì suốt ngày đu kèo, đu cột, nhiều khi cả ngày ngâm chân dưới nước đến bợt cả da.
Người lớn thì rầu thúi ruột, nhà ngập, sân ngập, chuồng bò, chuồng gà cũng ngập. Lo cho gia súc gia cầm trú ẩn rồi, còn phải canh me đám nhỏ không cho ra bờ ruộng, bờ ao kẻo sẩy chân thì khổ.
Lũ về, trường học cho học trò nghỉ, tụi nhỏ vô tư thì vui, còn cha mẹ chúng thì lo xanh mặt. Nhưng lũ về, lũ đi, con tôm con cá lại nhiều hơn ngày thường. Chợ quê cũng rôm rả hơn, và bữa ăn dĩ nhiên cũng được cải thiện chút chút.
Lớn lên chút, đám nhỏ đi học trường tỉnh, trường thành phố hết. Ở quê, ngoại lại phần đứa này con cá, đứa kia đám rau đồng, mớ trái cây, bọc khoai lang đầu mùa mưa mà ngoại hì hụi đào lên, rửa sạch, hong khô, lên thành phố cho “tụi nó ăn còn có sức đi học”.
Trời mưa Sài Gòn, ngồi trong căn phòng trọ mấy mét vuông, mùi canh chua, cá kho tộ thơm nức mũi, đưa đũa gắp con cá kho quẹo vô chén cơm, tôi lại nhớ ngoại, nhớ mùa mưa quê, nhớ da diết “vị mưa” quê mà ở nơi đô thị sầm uất này, không thể kiếm ra.
Mười mấy năm xa quê, lập nghiệp xứ người, mười mấy năm không được sống với mùa mưa ở quê mà nhớ quay quắt. Ngoại giờ đi xa rồi. Căn nhà của ngoại giờ cậu Út lo chăm sóc. Mảnh vườn trát bê tông, chậu kiểng thay thế cho mấy bụi hoa hồng, bụi sả, bụi gừng hồi xưa. Cũng chẳng còn bóng dáng của mấy luống khoai mà ngoại dày công chăm bẵm.
Cậu Út bảo, muốn ăn khoai thì ra chợ, mà giờ trẻ quê thích uống trà sữa, ăn bánh tây chứ còn đứa nhỏ nào thích gặm khoai luộc nữa. Ruộng bao cũng hầu như hết sạch. Nhà nào cũng xây mấy phòng trọ kiếm thêm. Đô thị hóa đã lấn tới quê ngoại, ít ai mê ruộng vườn mà kinh doanh nhà trọ có đồng tiền ổn định.
Và mưa quê, đám nhỏ không còn ra ruộng đánh lộn, giỡn hớt, mò cá, bắt cua nữa. Mưa thì tụi nó ở nhà coi tivi, không thì quẹt quẹt cái điện thoại thông minh giá rẻ của ba mẹ. Làm gì còn có mưa quê…
Hôm nay, Sài Gòn mưa, tôi lại gặm nhấm nỗi nhớ mưa quê, nhớ ngoại. Tháng sau là giỗ ngoại rồi. Năm nay, tôi giỗ ngoại ở căn nhà nhỏ vùng ven Sài Gòn, không về quê làm giỗ. Hạt mưa rơi xuống bệ cửa sổ, bám vào bàn tay tôi, có vị mặn mặn…