- Chặt mấy trái dừa để anh em uống cho mát, Duy! Tội nghiệp đường xa cách trở, mấy đứa cũng ráng về thăm má.
Chuyện là vầy, quen biết nhau đã khá lâu nhưng tôi chưa một lần được về thăm nhà bạn ấy, cũng là thăm bà má đang sống vui với quãng đời sau thượng thọ cùng cậu em kế của bạn được giao, hay lãnh trách nhiệm cận kề chăm nom lo lắng cho bà.
Khi nghe tôi ngỏ lời, bạn điện ngay về nhà để anh em lo chuẩn bị tiếp đón cùng với lời nhắn rất lấy làm tiếc vì không thể có mặt ở nhà vào một dịp vui vẻ như thế này.
Thật không hổ danh mảng xanh nơi tiếp giáp giữa Bến Tre với Vĩnh Long, Trà Vinh, thiên nhiên ban tặng cho vệt dài dọc sông Hàm Luông tới cầu Cổ Chiên một màu xanh trù phú, ít nơi nào của Bến Tre cũng như các tỉnh lân cận sánh được. Nước ngọt gần như quanh năm chở phù sa vun bồi, tưới tắm cho vùng đất này. Thỉnh thoảng vùng này cũng có xâm nhập mặn nhưng không đến mức quá sâu để có thể gây hại cho vườn tược như những vùng tiếp giáp biển khác của Bến Tre…
Tôi nhìn mê mải những vườn dừa, vườn cây trái đang sum suê, xanh mướt vươn mình trong nắng trưa. Má Bảy trông khỏe khoắn hơn nhiều so với tuổi 74. Tay chân vẫn còn lanh lẹ, lúc ra vườn, lúc vào chái bếp phía sau nhà.
Mặc dù Duy đã chuẩn bị khá là tươm tất bữa cơm trưa coi như để giao lưu làm quen giữa gia đình và anh em tụi tôi, má vẫn vừa kể đủ thứ chuyện vừa nhắc Duy coi món này món kia đã ổn chưa, nêm nếm vừa thôi, không mặn quá cũng không lạt làm mất vị món ăn.
Ngay cả khi mấy anh em chúng tôi cùng Duy và 2 người em họ nhà gần đó qua tham gia, cuộc vui đã bắt đầu tê tê sau mấy tuần rượu, má vẫn cứ thúc giục Duy:
- Thằng Duy coi có làm thêm món gì nữa để anh em nhắm rượu tiếp. Chẳng mấy khi bạn bè của anh mày về chơi…
Trên tay má lúc đó là một rổ cá bống sông còn ngọ nguậy sân sẩn má vừa vớt từ trong cái khạp để dưới nhà.
- Má ơi, nhiều đồ ăn, nhiều mồi lắm rồi. Chắc tụi con chết vì say mồi thôi! - Tôi vội chen ngang nói với má.
Tôi hiểu tâm lý của những người làm cha làm mẹ khi đã có tuổi. Mỗi khi có bạn bè của các con đến chơi nhà, thăm hỏi, hầu chuyện, các bậc sinh thành đều vui ra mặt, tiếp đón hết sức nhiệt thành. Má tôi ở nhà cũng vậy. Bà cũng sẵn sàng quên cả chuyện ăn uống để mà hỏi han chuyện này chuyện nọ, vui với cái vui của con và bạn bè qua những câu chuyện ấy.
Bữa cơm hôm ấy có thể coi là đại tiệc với các món độc lạ ở quê. Duy giới thiệu sơ sơ là biết các anh thích đồ đồng, đồ sông, trong mương, trong ruộng, tụi em dặn mấy anh em đặt lú kiếm được một ít, cộng với số hôm trước bắt được ngoài ruộng đem rộng trong khạp… Cây nhà lá vườn thôi mà khiến tụi tôi mê mẩn, ăn ngon như chưa bao giờ được ăn ngon như vậy.
Tôi cũng rất thích cách bày món, do má hay do Duy đạo diễn không biết!
Vào tiệc là gần trưa nên ưu tiên hàng đầu là chắc bụng chứ không phải là đánh đố nhau, hơn thua cao thấp ở món ngon đơn lẻ và rượu. Ngay cả món đầu tiên, tép rang nước dừa cũng hơi chút đậm đà để có thể ăn kèm với rau lang luộc và cơm trắng. Rau lang luộc cũng có thể kết hợp hài hòa với cá bống dừa kho tộ. Cá lòng tong thì kho lạt với nấm rơm làm món canh. Nồng nàn một chút là thịt bê xào lá lốt. Và món đặc biệt Duy muốn giới thiệu là “vũ nữ chân dài” (ếch) chiên giòn rụm…
Bên mâm cơm, lại nổ ra cuộc bàn luận về các loại ớt trong vườn nhà. Từ ớt hiểm loại thông thường, đến loại ớt ngắn đòn tròn tròn, ớt xanh, ớt trắng. Ai cũng mê loại ớt chim ị: cay, thơm, nồng. Ngay cả chuyện nhiều người bảo, loại ớt này chỉ trông chờ vào việc sản sinh tự nhiên, gieo không lên hoặc lên cũng chết yểu. Thực ra, gieo khéo là lên tuốt.
Má chứng minh điều đó trong thực tế. Nhớ nhất lúc chuẩn bị ra xe về lại TPHCM. Má lại nhắc Duy nhớ gửi cho tôi 2 cây ớt chim ị gieo đã mươi, mười lăm ngày tuổi về trồng thử; mấy quày dừa Xiêm xanh nước ngọt không đâu bằng ven bờ sông Hàm Luông này. Và má không quên túm cái bịch ni lông mớ cá bống nghĩa tình, đích thực là cá sông cá đồng về cho nhà thơm thảo…
Thực ra, vừa vô tới cổng nhà bạn mình, tôi đã cảm nhận một không khí thân quen, gần gũi. Trước nhà có mấy bụi bông trang vàng, đỏ. Xung quanh trồng đủ thứ rau, là rau ăn sống, rau luộc, rau làm thuốc... Tôi còn xuýt xoa khi xuống nhà bếp, bắt gặp những vật kỷ vật quen thuộc mà nhà má, nhà bạn còn gìn giữ được, như cái tủ gác-măng-rê; cái chạn/sóng chén; bếp lò chụm củi dừa, bộ ngựa ván dành cho các bà làm bếp…
Hồn quê còn được giữ gìn ở nhà trên với cách bài trí bàn gỗ lim, gỗ gõ dài ở giữa nhà, hai bên sáu cái ghế tô-nô, ngồi đó có thể nhìn lên tủ thờ chánh; bộ ván bên phải kết hợp với bàn thờ phụ… Không gian ba gian hai chái với vách ván, cột gỗ, mái ngói ấy đến giờ mà còn giữ được phải nói là gia chủ, người lớn và cả người trẻ phải trì chí và có bản lĩnh văn hóa.