Mùa offroad “đã” nhất là mùa mưa, lúc này đất trở nên trơn trượt như bôi mỡ, đường rừng bùn lầy ngập nước. Đây là lúc thử sức thử tài nên có khi không lên kế hoạch trước mà bất thần “hứng” lên, chỉ một cú điện thoại là cả chục chiếc xe hăm hở lên đường, cứ tìm rừng núi, đường đất lở lói mà lao vào như một cuộc... hành xác.
Môn thể thao dã ngoại offroad đang dần thịnh hành ở Việt Nam, tuy số lượng người chơi chưa quá đông nhưng đủ trẻ già trai gái tham gia. Offroad, nghĩa là không đi theo các con đường thông thường, mà sử dụng xe địa hình để vượt qua các cung đường rừng khó khăn, phức tạp, hoặc nơi không có đường đi như đồi cát, đầm lầy… Phương tiện offroad bao gồm xe hơi, xe hai bánh, ở đây bài viết tập trung vào xe hơi vì phương tiện này đa dạng về độ tuổi người chơi, trong khi xe hai bánh chủ yếu dành cho giới trẻ…
Tốn tiền
Để đi offroad tối thiểu phải là xe có chế độ hai cầu (4WD - tức là bốn bánh có thể được truyền lực từ hộp số). Có những “đại gia” chơi những chiếc xe “khủng” mới cứng như Hummer H2 cỡ 4 tỷ đồng, thấp hơn thì sắm Toyota FJ Cruise hay Jeep Wrangler… giá từ 1,5-1,8 tỷ đồng. “Mềm” hơn nữa là những chiếc xe bán tải như Mitshubishi Triton, Isuzu Dmax, Ford Ranger… tầm 800-900 triệu đồng. Phương án đỡ tốn kém là mua xe cũ về “độ” lại, các loại xe được sản xuất những năm 80, 90 như Toyota For Runner, Land Cruise… đặc biệt các dòng xe quân sự cũ như Jeep của Mỹ, UAZ của Nga và Bejing của Trung Quốc rất được chuộng vì được thiết kế có khả năng vượt địa hình xấu. Sau khi “độ”, một chiếc xe cũ tốn trung bình chỉ khoảng 200-300 triệu đồng, nhưng phải dè chừng loại xe cũ “một tiền gà, ba tiền thóc”, dễ hỏng vặt, uống xăng như uống nước lã ở các dòng xe quân sự.
Chưa kể, khi offroad vẫn có thể xảy ra các sự cố ngoài ý muốn hoặc do thiếu kinh nghiệm mà dân offroad gọi là “đóng học phí”: nhẹ thì trầy xước xe, vỡ đèn, bể kính, thủng két nước, nổ vỏ… tốn vài ba triệu đồng, nặng hơn thì cháy bố embraya, hư hộp số, hỏng hệ thống điện… cũng mất trên chục triệu đồng sửa chữa. Nặng nhất là lật xe, bị ngập nước phá hỏng máy có khi thiệt hại lên đến 50-60 triệu đồng. Vì vậy, dân offroad được gọi là “dân phá xe”.
Hành xác
Dân chơi offroad tiếng là đi xe hơi, nhưng đâu ngồi yên trong xe máy lạnh rung đùi lái và nghe nhạc, mà phải thường xuyên phải chạy xuống xem đường, kiểm tra gầm, bánh, dò đường, chặt cây mở đường. Đặc biệt, khi có sự cố, phải lăn lê bò toài mà đẩy, kéo, sửa chữa, khắc phục… trong mưa to gió lạnh, bùn ngập đến đầu gối. Có những chuyến đi chỉ trong hai ngày, mọi người phải vượt qua gần 1.000km với đủ mọi kiểu đường sá và địa hình khác nhau. Có những chuyến bị kẹt giữa rừng 2-3 ngày, cây cối mọc đầy, không có đất trống để cắm trại, phải nằm ngủ vất vưởng trên xe, rồi mưa gió không nổi lửa nấu ăn được, phải gặm bánh mì hay nhai mì gói suông qua bữa…
Và... niềm vui
Phải qua vài chuyến offroad trên nhiều cung đường khác nhau, người “ngoại đạo” mới hiểu được điều gì khiến dân chơi offroad đam mê đến như vậy.
Cảm giác chinh phục được một cung đường gian khó, thậm chí chưa có xe nào đi qua được là một cảm giác rất khó quên, nó như sự khai phá. Người tham gia offroad thường có máu mạo hiểm, phiêu lưu nên rất thích khi được hòa vào thiên nhiên, được đắm mình giữa núi rừng hoang vu, cắm trại giữa những con suối hay hồ nước vắng vẻ.
Sự sung sướng không phải chỉ vỡ òa khi kết thúc hành trình, hoặc khi lên đến vị trí thử thách mong muốn, mà cảm giác đó có trên từng mét đường. Mỗi khi vượt qua một hố bùn, hay đoạn đường sạt lở, leo qua được một con dốc… là mỗi trải nghiệm hào hứng khác nhau. Có thể thất bại và làm lại, thậm chí phải về đợi vài tháng sau mới có cơ hội quay lại, nhưng cảm giác cưỡi trên một khối thép băng băng vượt qua nhiều thử thách, vượt qua sự e dè, lo ngại của bản thân là trải nghiệm đáng nhớ.
Có những lúc chia sẻ cho nhau từng mẩu bánh trong cơn đói, từng điếu thuốc trong mưa lạnh để cảm nhận sự tương thân tương ái của bạn bè dù chỉ mới quen. Những cặp vợ chồng lớn tuổi, con cái đã lớn, hay những đôi bạn trẻ mới yêu đều có thể tham gia offroad, chia sẻ cảm giác tay trong tay lúc đội nắng mưa, vượt khó khăn, hiểm trở nhưng lại đầy niềm vui, hạnh phúc.
Mỗi chuyến đi đều có nhiều bài học. Chỉ một quyết định hợp lý, cộng với sự điều khiển chính xác, kịp thời là có thể giúp xe vượt qua tình huống khó khăn, nguy hiểm. Một chiếc xe tốt chỉ chiếm 30%-40% sự thành công trong khi yếu tố người lái quyết định phần lớn. Anh Nguyễn Đạt, một tay lái có hơn 40 năm chạy xe Jeep lội rừng kể: Một lần, hai xe Jeep lâm nạn giữa rừng, một chiếc bị chìm trong bãi bùn, kéo mãi không lên. Hết cách. Trong khi chúng tôi ngồi tuyệt vọng thì một anh người dân tộc thiểu số đi ngang nói: “Khó gì, rã cái xe ra thì mang lên núi cũng được”. Chúng tôi chợt tỉnh ngộ, vội gỡ hết mọi thứ trên xe, từ bánh sơ cua, ghế ngồi, bình ắc-quy, kính lái, cả nắp capo… Xe nhẹ đi mấy trăm ký, nhờ đó mà kéo lên được. Những người lái xe nhiều năm kinh nghiệm cười hớn hở khi học được một bài học từ người dân tộc thiểu số thậm chí chưa ngồi xe hơi bao giờ”.
Cũng vì thường xuyên đi vào những nơi hoang vu hẻo lánh nên các chuyến offroad thường kèm theo công tác cứu trợ, làm từ thiện. Nhìn những ánh mắt trẻ em người dân tộc thiểu số lần đầu thấy xe hơi, sung sướng nhận quà cứu trợ, sự mỏi mệt, vất vả của mọi người dường như tan biến.
Offroad Việt Nam
Phong trào offroad ở Việt Nam mới phát triển mạnh trong vòng 4-5 năm nay, chủ yếu ở TPHCM và Hà Nội. Đã xuất hiện nhiều tên tuổi, gương mặt có tiếng trong giới offroad như Minh “Vulcan”, Phong “F1”… ở miền Nam hay Nam “Đánh bật bóng đêm”, Phương “Cherokee”… ở miền Bắc. Nhưng so với phong trào offroad trên thế giới cũng như trong khu vực, offroad ở Việt Nam mới trong giai đoạn chập chững. Phần vì mới mẻ, phần vì thiếu điều kiện. Xe hơi vẫn còn khá cao giá và xa xỉ. Dân offroad ở phía Nam luôn “ghen tị” với miền Bắc sẵn địa hình. Từ Hà Nội, chỉ đi chưa đầy 100km là có vô số cảnh đẹp, địa hình hiểm trở trong khi ở TPHCM, phải mất ít nhất 300-400km để lên Đà Lạt hay Tây Nguyên mới có chỗ để thi thố. Thành ra các chuyến offroad loanh quanh gần TPHCM như Tân Uyên, Nhơn Trạch, Bình Phước… đều chỉ coi là “nháp”, “muỗi”.
Mặt khác, nếu như ở nước ngoài, dân offroad có thể “độ” xe đủ kiểu, thay máy, thay bánh, lắp ghép thân xe thoải mái, miễn là đăng kiểm đạt yêu cầu kỹ thuật thì ở Việt Nam luật nghiêm cấm việc thay đổi cấu trúc nguyên bản của xe, thậm chí thay một thanh cản lớn hơn để chống va chạm tốt cũng có thể bị phạt. Trong khi để đạt đến mức độ offroad đỉnh cao, vượt những địa hình khó khăn, hiểm trở thì không xe nguyên bản nào có thể đáp ứng được.
Gần đây offroad Việt Nam đã dần tập hợp được phong trào. Cuộc thi kỹ năng lái xe địa hình toàn quốc mang tên Việt Nam Offroad Cup 2010 được Bộ VH-TT-DL cho phép tổ chức cuối tháng 9 vừa qua đã gây được sự chú ý trong dư luận. Tuy nhiên, để offroad Việt Nam phát triển và đạt đến đẳng cấp tham gia được các cuộc thi xe địa hình tầm cỡ thế giới như Paris-Dakar còn là điều xa vời. Trước mắt, hy vọng trong năm nay Việt Nam có thể tham dự các cuộc đua trong khu vực, như Rain Forest Challenge tại Malaysia...
Bài, Ảnh: Trường Giang