Cách đây 3 ngày, em Lê Thị Xuân Q. (SN 2002, tạm trú ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sốt cao, đau đầu, xuất hiện nhiều nốt đỏ, 2 mắt đỏ. Mặc dù đã dùng thuốc điều trị ở nhà nhưng không khỏi nên em vào viện để khám, xét nghiệm máu được bác sĩ chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt, Phó Trưởng khoa bệnh nhi (Trung tâm y tế quận Sơn Trà) cho biết, TP Đà Nẵng bắt đầu mùa mưa nên tỷ lệ lây nhiễm sốt xuất huyết rất nhanh. Trên địa bàn quận Sơn Trà ghi nhận ở một số phường, chủ yếu ở những trẻ từ 10-12 tuổi. Ví dụ, nếu một ngày số lượng mắc xuất sốt huyết là 50 bệnh nhân thì số trẻ chiếm khoảng 5-10 người. Năm nay, tại địa phương chưa ghi nhận tình trạng nào diễn biến nặng.
“Dù số lượng mắc sốt xuất huyết ở quận khá lẻ tẻ, chưa nhiều nhưng đang có dấu hiệu tăng lên”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt nói.
Tại quận Liên Chiểu, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao nhất so với các địa phương. Theo bác sĩ Bùi Long Dũng, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp (Trung tâm y tế quận Liên Chiểu), trung bình, mỗi ngày ghi nhận từ 40-50 bệnh nhân đến khám sốt xuất huyết, trong đó 20 ca nhập viện nội trú.
Mỗi ngày, Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Gia Đình (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tiếp nhận điều trị từ 3-4 bệnh nhân sốt xuất huyết, có xu hướng tăng so với những năm trước đây. Bác sĩ Trần Lê Khoa, Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Gia Đình (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, cần nhập viện sớm khi có những dấu hiệu cảnh báo như mệt mỏi, đi vệ sinh có máu, chảy máu răng, kỳ kinh nguyệt kéo dài, đau bụng, nhất là vùng dưới bên phải,…
“Triệu chứng ban đầu của Covid-19 và sốt xuất huyết khá giống nhau như sốt, mệt mỏi. Nhưng Covid-19 thường có biểu hiện của viêm đường hô hấp trên, chảy nước mũi, đau họng, khàn giọng. Còn sốt xuất huyết biểu hiện ban đầu thường là sốt cao, nổi các nốt màu đỏ ngày càng tăng,…”, bác sĩ Trần Lê Khoa cho hay.
Tính từ đầu năm đến nay, TP Đà Nẵng ghi nhận hơn 1.223 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp 9,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ trong vòng một tuần (tính từ ngày 2 đến 8-5), toàn TP Đà Nẵng ghi nhận 69 ca mắc sốt xuất huyết.
Một số địa phương ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết như quận Thanh Khê (22 ca), quận Liên Chiểu (19 ca), quận Cẩm Lệ (10 ca)… do có nhiều công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên lưu trú tại các nhà trọ, khu tập thể.
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng, hệ thống giám sát của CDC Đà Nẵng sẽ thu nhận và phân tích các thông tin từ hệ thống các tuyến bệnh viện, từ phản ánh của người dân khi họ báo cáo. Trong trường hợp xuất hiện nhiều ổ dịch ở trong các khu dân cư hoặc tập trung ở nhà trẻ, trường mẫu giáo thì hệ thống y tế quận huyện cũng như xã phường sẽ đến trực tiếp xác định mức độ hẹp hay rộng để xử lý. Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, biện pháp hiệu quả vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình và quanh khu vực sinh sống.
Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng lên từ tháng 3 đến tháng 5-2022 đến nay. Chỉ trong một tuần từ ngày 25-4 đến ngày 1-5, địa phương đã ghi nhận 105 ca mắc tay chân miệng, tăng 78 ca so với tuần trước, chiếm hơn 48% số ca mắc tính từ đầu năm 2022 đến nay. Có 5/7 quận, huyện ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng. Tính từ đầu năm đến nay, TP Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 300 ca mắc tay chân miệng và xuất hiện ở tất cả các quận huyện. |