Ghi nhận tại các điểm mua sắm ở Mỹ trong ngày Black Friday năm nay, những bãi đậu xe trống trơn, nhân viên bán hàng và phục vụ nhiều hơn khách hàng tại các cửa hàng, không còn cảnh mọi người sẵn sàng chờ từ đêm hôm trước, xếp hàng dài, chen lấn mua sắm như những năm trước…
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Coresight Research Deborah Weinswig nhấn mạnh: “Đây thực sự là điều đang diễn ra. Không có những hàng người dài đứng xung quanh các tòa nhà trung tâm thương mại. Người tiêu dùng đã thích nghi rất nhanh”. Trên thực tế, vẫn có một số bộ phận người dân đến mua hàng trực tiếp tại cửa hàng và các trung tâm thương mại, nhưng thời gian mua sắm rất nhanh gọn, xếp hành theo quy định giãn cách và từng nhóm nhỏ.
Mặc dù kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng, song chừng nào người tiêu dùng còn tự tin và lạc quan, họ sẽ tiếp tục chi tiêu. 5,1 tỷ USD là số tiền mà người dân Mỹ đã chi ra cho các đơn hàng trực tuyến trong ngày Lễ Tạ ơn 26-11, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kỷ lục mới về doanh thu trực tuyến này đã mang lại tia sáng hy vọng cho các cửa hàng bán lẻ vốn đang gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo Adobe Analytics - công ty đo lường doanh số bán hàng tại 80 trong số 100 nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu của Mỹ, ước tính doanh thu trực tuyến trong ngày Black Friday và ngày Cyber Monday sẽ đạt lần lượt 10,3 tỷ USD và 12,7 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2019.