Nỗi lo chập điện
Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07) Công an TPHCM, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm vào mùa mưa, thành phố xảy ra 25 - 30 vụ cháy. Đối tượng xảy ra cháy là trụ điện, nhà dân, cơ sở sản xuất. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do chập điện, dông sét… Mặc dù cháy trong lúc trời mưa, nhưng không ít vụ cháy vẫn gây thiệt hại nặng nề về tài sản.
Điển hình vụ cháy cơ sở nệm mút (311 Nguyễn Văn Công, phường 3 quận Gò Vấp) vào ngày 5-8-2018. Đang lúc trời mưa lớn, nhiều tuyến đường ở khu vực phường 3 quận Gò Vấp bị ngập sâu, song cơ sở nệm mút nêu trên vẫn xảy ra cháy.
Hậu quả, toàn bộ hàng hóa, nguyên liệu bên trong cơ sở bị thiêu rụi. Ước tính giá trị tài sản bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do chập điện.
Trước đó, một căn nhà nằm trong hẻm 254 Âu Cơ (phường 9 quận Tân Bình) cũng xảy ra cháy lớn, mặc dù bên ngoài trời mưa như trút nước. Chủ nhà bị cháy cho biết, trong lúc trời mưa dông lốc, sét đánh vào bảng điện cũ phía sau căn nhà làm cả hệ thống dây điện bị cháy và lan ra toàn bộ căn nhà, làm thiệt hại nhiều về tài sản.
Theo Công an quận 8, phần lớn nguyên nhân của các vụ cháy xảy ra trong mùa mưa là do chập điện. Hệ thống dây dẫn điện của nhà dân, điện chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường, tuyến hẻm qua thời gian sử dụng bị hư hỏng, xuống cấp, bị oxy hóa, đấu nối sai kỹ thuật (để lộ lõi đồng, nhôm ra ngoài), gặp nước mưa sẽ dẫn đến chập điện, gây cháy nổ.
Nguy hiểm hơn, nếu sự cố chập điện gây cháy nổ xảy ra lúc nửa đêm, nguy cơ thương vong về người sẽ rất cao. Ngoài ra, trong mùa mưa thường có gió lớn làm cây xanh trên đường phố, công viên, khuôn viên trường học, bệnh viện… ngã đổ, kéo theo hệ thống điện, dây cáp viễn thông, truyền hình bị đứt, hư hỏng dẫn đến cháy nổ.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến có dự trữ nhiều loại dung môi, hóa chất, khi gặp nước mưa cũng dễ dẫn đến phản ứng hóa học, gây cháy nổ.
Chủ động phòng ngừa
Phòng PC07 Công an TPHCM cho biết, hàng năm, trước khi bước vào mùa mưa, đơn vị phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện tốt công tác PCCC tại chỗ.
Trong đó, khuyến cáo người dân quản lý nguồn điện chặt chẽ; chọn mua, sử dụng các thiết bị truyền tải điện phù hợp đề phòng quá tải chập cháy, rò rỉ điện, bằng cách sử dụng cầu dao điện có thiết bị bảo vệ tự đóng - ngắt...
Riêng đối với các cơ sở sản xuất, Phòng PC07 phối hợp với công an các quận huyện kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở không tồn trữ quá nhiều hóa chất; nơi cất giữ hóa chất phải là kho an toàn, đảm bảo các quy định về PCCC, không ẩm mốc, không bị ngập, không để nước mưa rò rỉ vào.
Ngoài ra, Cảnh sát PCCC-CNCH cũng phối với Sở GTVT TPHCM rà soát, xử lý, cắt tỉa, làm gọn hệ thống cây xanh trên đường, hạn chế sự cố cây xanh ngã đổ làm hỏng hệ thống dây điện dẫn đến chập điện gây cháy nổ. Đồng thời phối hợp cùng ngành điện nâng cấp, cải tạo các đường dây điện cũ, hư hỏng, xuống cấp.
Đối với các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở sử dụng điện có công suất lớn, sử dụng hóa chất, cơ sở kinh doanh xăng dầu, Phòng PC07 khuyến cáo chủ cơ sở phải lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét, thực hiện kiểm tra định kỳ nghiêm ngặt.
Ngoài ra, người dân cần gia cố, chằng buộc chắc chắn các cửa, công trình để tránh sụp đổ khi có dông lốc, gió mạnh; tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC trước mùa mưa bão.
Cuối cùng, ý thức người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Để người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về PCCC trong sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất, ngoài công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm của lực lượng chức năng, về phía chính quyền địa phương cần có giải pháp tuyên truyền hiệu quả thiết thực, sinh động để người dân, chủ cơ sở, người lao động nắm rõ kiến thức về PCCC, phòng ngừa cháy nổ hiệu quả.