Tuy nhiên, do cộng hưởng mưa từ những ngày bão đổ bộ, lũ trên sông Thương, hạ lưu sông Mã, sông Cả đang lên; lũ thượng và trung lưu sông Mã và sông Bưởi đang dao động ở mức đỉnh, hạ lưu sông Thao, sông Chu đang xuống.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, tính đến chiều và tối 18-8, có 8 người bị thiệt mạng do mưa lũ sau bão (trong đó Sơn La: 2 người do lũ cuốn trôi; Thanh Hóa: 1 người do sạt lở đất đá; Nghệ An: 5 người do lũ cuốn trôi). Ngoài ra, có 2 người bị mất tích do lũ cuốn trôi (trong đó Sơn La: 1 người, Nghệ An: 1 người) đang được lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm.
Mưa lũ sau bão cũng đã làm 21 nhà bị sập, 1.323 nhà bị ngập, 202 nhà phải di dời khẩn cấp; khoảng 7.394 con gia súc bị chết (tập trung tại tỉnh Nghệ An); 723ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Về giao thông, các tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 43 qua địa phận tỉnh Sơn La, quốc lộ 37 qua địa phận tỉnh Yên Bái bị sạt lở ta luy dương, lực lượng chức năng đã xử lý thông tuyến tạm thời. Còn các tuyến quốc lộ 15, 15C, 16, 217, 217B thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa vẫn bị ngập 11 vị trí, gây ách tắc giao thông. Các tuyến quốc lộ 7, 15, 16, 48D, 48E thuộc địa phận tỉnh Nghệ An bị ngập 19 vị trí, sạt lở ta luy dương tại 3 vị trí vẫn gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, một số tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An còn bị chia cắt do sạt lở và ngập cục bộ.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương bị thiệt hại tập trung huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do mưa, lũ sau bão gây ra, nhất là các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An; nỗ lực tìm kiếm người còn mất tích tại Nghệ An, Sơn La; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa, ổn định sinh hoạt cho những hộ dân phải sơ tán và bị cô lập; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu; vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; tuần tra canh gác, kịp thời xử lý các sự cố đê điều.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng tiếp tục cảnh báo tình hình ngập lụt do lũ tại đồng bằng sông Cửu Long. Hiện mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu đã đạt 3,72m (trên báo động số 1 là 0,22m), trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,23m (trên báo động số 1 là 0,23m). Dự báo trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều. Đến ngày 25-8, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 3,9m,; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 3,4m. Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Ngày 18-8, tại khu vực ngoài đê sông Mã đoạn chạy qua xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), hàng ngàn hộ dân bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập sâu đến 2m. Việc bị ngập khiến người dân phải đi lại bằng bè mảng và thuyền. Theo người dân địa phương, nguyên nhân gây ngập là do hồ thủy lợi Cửa Đạt xả lũ cộng với mưa lớn nhiều ngày khiến mực nước sông Mã dâng cao. 7 thôn của xã Thiệu Dương đã bị ngập sâu trong nước.
Theo báo cáo của UBND xã Thiệu Dương, trên toàn xã có 2.200 hộ với hơn 7.000 nhân khẩu ở 7 thôn ngoài đê bị ngập lụt, ngoài ra có hơn 20ha hoa màu ven sông cũng trong cảnh tương tự. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương, cho biết: “13 giờ chiều 17-8, chúng tôi nhận được lệnh xả lũ của hồ Cửa Đạt. Địa phương đã lên phương án di dân lúc 16 giờ chiều cùng ngày với 600 hộ. Đến 10 giờ sáng 18-8, xã đã tiến hành di dời toàn bộ 2.200 hộ với nhiều phương án cũng như di dân tại chỗ”. Do nước sông Mã dâng cao đã khiến hàng ngàn hộ dân sống ven sông Mã bị ảnh hưởng, như các xã: Thiệu Khánh, Hoằng Lý, Hoằng Anh (TP Thanh Hóa)…
Tại huyện Bá Thước, trong sáng 18-8, do nước sông, suối dâng cao nên đoạn chạy qua xã Thiết Kế ngập nước khiến quốc lộ 15 chạy qua đây ách tắc cục bộ. Giao thông nối liền các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát bị cô lập. Ngoài ra, lũ lụt cũng gây ngập úng 1.245ha lúa, 1.887ha rau màu; nhiều tuyến quốc lộ như QL 15, 15C, QL 217, QL 217B…
Theo Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 5 người chết, 1 người mất tích. Mưa lũ cũng đã khiến 19 ngôi nhà bị sập, làm ngập 1.928 ngôi nhà, 247 hộ dân phải di dời khỏi các vùng sạt lở, nguy hiểm; 3.780ha lúa, 1.274ha ngô bị ngập; 22.527m đường bị sạt lở, 9 cầu tạm bị cuốn trôi,…