Đó là năm 1996, giữa những ngày tháng 8 âm lịch. Trận lụt về giữa đêm. Dù đã được dự báo vì nước sông dâng cao từ mấy tuần trước, nhưng khi tin đoạn đê giữa cánh đồng bị vỡ phát trên loa truyền thanh, cả làng hoảng loạn.
Đê vỡ, nước dâng càng nhanh. Nhiều nhà ở vùng trũng hơn, nước ngập sâu cả mét chỉ sau vài giờ. Những cánh đồng lúa, đậu tương sắp đến độ thu hoạch mới đây thôi còn xanh ấm, nay chới với trong biển nước. Ngôi làng vốn chơ vơ giữa tứ bề là cánh đồng, càng đơn độc trong biển nước. Trong đêm tối, chỉ lập lòe những chiếc đèn bão, đèn dầu tiếng người í ới gọi nhau, nhắc nhau cẩn trọng hòa với tiếng ếch nhái vang vọng khắp nơi.
Biết là sẽ khó cầm cự được dòng nước, nên trước đó gia đình nào cũng cố gắng chuẩn bị thật kỹ. Thanh niên, trai tráng mỗi nhà được phân công trực chiến, thay nhau đắp những con lươn bằng bao tải đất để ngăn nước tràn bờ đê. Những bụi tre quanh làng được đốn chặt để gia cố những vị trí đê xung yếu.
Tôi nhớ nhất hình ảnh những đứa trẻ, lớn hơn tôi vài tuổi, được gia đình cắt cử dắt trâu bò lên khu vực đê có vị trí cao và kiên cố tránh lũ, vì sợ ở nhà, lũ dâng cao, trâu bò không có gì để ăn. Vậy là, trên khắp mặt đê, những chiếc cọc được đóng xuống cột trâu bò cho chắc chắn. Mỗi đứa trẻ được chuẩn bị chiếc áo mưa trải tạm trên mặt cỏ và vài nắm cơm với muối vừng.
Buổi sáng ngày hôm sau, cả làng chìm trong biển nước. Nhiều gia đình nước ngập lưng nhà. Vốn không phải dân vùng lũ hay sống bằng nghề chài lưới nên chỉ vài gia đình có thuyền nan. Phần còn lại, nhà nào cũng tự trang bị cho mình chiếc bè, được ghép từ những thân cây chuối trong vườn. Anh trai tôi trước đó đã mua mấy chiếc lưới, dùng bè đi đánh cá. Bữa ăn ngày lũ là tôm cá tự đánh bắt được và nồi cơm trộn thêm khoai, sắn cho no bụng.
Mùa lũ năm đó về giữa những ngày rằm tháng 8. Buổi tối, tôi lén ra ngồi trên chiếc bè trong sân nhìn ánh trăng vời vợi trên cao. Tôi thích thử cảm giác cắm sào và đẩy chiếc bè trôi đi trôi lại trong khoảng sân nhà. Với một đứa trẻ non nớt lần đầu thấy nước lụt, có lúc tôi thấy vui với những trải nghiệm lần đầu tiên và duy nhất ấy...
Nước rút sau 2 tuần là khi khắp làng trên xóm dưới ngập trong bùn đỏ quạch của phù sa sông Hồng. Xác chết của gà, vịt, chuột… bắt đầu bốc mùi. Đậu tương hay lúa bị ngâm trong nước cũng bốc lên thứ mùi khó chịu khi nắng lên. Tôi nhớ mãi ánh mắt ngẩn ngơ của mẹ khi đứng trước cánh đồng đã mất trắng.
Hơn 1 mẫu ruộng của gia đình sắp đến độ thu hoạch, chỉ duy nhất còn sào lúa ở chân ruộng cao nhất nước chưa ngập vút bông là còn được thu hoạch. Tất cả mất trắng theo dòng nước. Mà hầu như nhà nào cũng thế. Sau năm ấy, làng tôi không bao giờ phải sống trong cảnh lũ lụt vì con đê đã được nâng cao hơn, gia cố vững chắc hơn. Mỗi năm lũ vẫn về, cuồn cuộn phù sa nhưng nước chỉ vừa chạm đến chân đê.
Nay, nhìn hình ảnh người dân miền Trung vật lộn trong dòng lũ dữ, những kỷ niệm ấy lại ùa về, hồ như chỉ mới ngày hôm qua.