Trong đó, tại tỉnh Yên Bái đã thống kê được có 6 người chết và 9 người còn mất tích. Tại tỉnh Sơn La có 12 người chết và 5 mất tích. Tại tỉnh Lai Châu đã tìm được thi thể của 2 cha con bị đất đá sạt lở vùi lấp, hiện còn 1 nạn nhân mất tích. Tại tỉnh Điện Biên, đến sáng 6-8 đã tìm được tổng cộng 7 thi thể nạn nhân bị thiệt mạng (trong đó có 1 nạn nhân thiệt mạng do lũ cuốn vào chiều 5-8, tại xã Mường Lói, huyện Điện Biên).
Trong số 6 người chết và 9 người còn mất tích ở tỉnh Yên Bái, có 1 nạn nhân thiệt mạng vào sáng 6-8 ở thôn Làng Chiềng, xã Ngòi A, huyện Văn Yên do sạt lở đất. Vụ sạt lở đã làm thêm 4 người bị thương, trong đó 2 người bị thương nặng. Mưa to cũng làm sạt ta luy gây sập đổ hoàn toàn 3 ngôi nhà, 50 ngôi nhà bị hư hỏng, 21 hộ phải di dời đến nơi an toàn. Mưa lũ đã cuốn trôi 3 con trâu và vùi lấp nhiều ha lúa, ao cá và gây sạt lở, ách tắc giao thông nhiều nơi. Như vậy đến thời điểm ngày 6-8, tổng cộng đã có 43 nạn nhân chết và mất tích tại 4 tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái…
Theo thông tin từ Sở GTVT tỉnh Yên Bái, đến ngày 6-8, các địa điểm sạt lở nặng trên quốc lộ 32 qua tỉnh Yên Bái gây tắc đường hiện đã được thông tuyến, tuy nhiên nhiều khu vực tỉnh lộ vẫn đang bị sạt lở nặng chưa khắc phục xong. Trong ngày 6-8, các đoàn cứu trợ ở Trung ương và các địa phương tiếp tục đến Sơn La, Yên Bái để hỗ trợ người dân hoạn nạn. Ủy ban MTTQ tỉnh Sơn La và huyện Mường La đã tiếp nhận được 6,5 tỷ đồng và 2,4 tấn gạo, 967 thùng mì gói, 104 bao quần áo và nhiều vật dụng khác từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ bà con. UBND huyện Mường La đã bố trí chỗ ở tạm cho 287 hộ dân bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và các hộ phải sơ tán khẩn ra khỏi khu vực nguy hiểm. UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo làm cầu tạm để nối hai đầu cầu Nậm Păm ở huyện Mường La bị lũ làm sập để phục vụ cho việc vận chuyển vật tư, nhu yếu phẩm cho công tác cứu hộ, đặc biệt là người dân tại xã Nậm Păm. Tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đã di dời 47 hộ dân với 247 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Đến ngày 6-8, huyện Mù Cang Chải đã tiếp nhận 2,364 tỷ đồng hỗ trợ, hơn 5,2 tấn gạo, 2.633 thùng mì tôm và các vật dụng khác.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đã cử 2 đoàn công tác đến Sơn La để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ các địa phương 180 thùng hàng nhu yếu phẩm cần thiết và hơn 500 triệu đồng. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ các nạn nhân bị thiệt hại do mưa lũ ở Yên Bái và Sơn La tổng số tiền 600 triệu đồng. Ngày 5-8, Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã tới Yên Bái thị sát tình hình mưa lũ và khắc phục hậu quả, đồng thời hỗ trợ 600 triệu đồng cho tỉnh Yên Bái để khắc phục. Ngày 6-8, đoàn công tác của Bộ TN-MT do Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc làm trưởng đoàn đã thăm và trao 500 triệu đồng hỗ trợ cho người dân vùng lũ Mường La, Sơn La.
Chiều 6-8, tại tỉnh Yên Bái, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã có buổi làm việc và thăm hỏi nhân dân vùng lũ Mù Cang Chải, chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là tập trung các nguồn lực để tìm kiếm người mất tích, bảo đảm đời sống cho nhân dân, khắc phục các công trình công cộng bị hư hỏng, cảnh giác với tình hình thời tiết còn phức tạp, di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm… Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sẽ báo cáo với Đảng, Nhà nước, Quốc hội về những thiệt hại của Mù Cang Chải để sớm có những hỗ trợ nguồn lực khắc phục hậu quả, sớm đưa đời sống của nhân dân trở lại bình thường. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, sắp tới Yên Bái cần khoảng 410 tỷ đồng để khắc phục các hậu quả của cơn lũ. Trong đó, 110 tỷ đồng cấp bách xây dựng lại các công trình thuỷ lợi và hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do lũ.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương ngày 6-8 tiếp tục khẳng định, từ ngày 7-8 sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng mưa lũ ở miền Bắc. Hiện nay mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lại đang lên sau vài ngày tạm chững. Dự báo mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, đến ngày 9-8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu có thể lên mức 3,22m còn tại Châu Đốc lên mức 2,52m.