
Tối nay, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai báo cáo, tính đến 17 giờ chiều 8-10, mưa lũ lớn do áp thấp và không khí lạnh ở miền Trung đã làm ít nhất 11 người chết và mất tích.
Cụ thể như sau: 4 người thiệt mạng (Đắk Lắk: 1, Gia Lai: 1, Quảng Trị: 1, Quảng Ngãi: 1) và 7 người mất tích (Quảng Trị: 5, Thừa Thiên - Huế: 1, Gia Lai: 1).
Nếu tính thêm 2 nạn nhân bị thiệt mạng tại tỉnh Lào Cai từ ngày 6-10 thì tổng số nạn nhân chết và mất tích trong đợt mưa lũ này, tính đến nay là 13.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng thông tin, sáng 8-10, tại tỉnh Quảng Trị, tàu vận tải Vietship TK 12 đã bị chìm gần khu vực Cửa Việt, trên tàu có 5 người, nhưng 3 người đã được tàu Vietship 01 cứu vớt an toàn, còn 2 người trôi dạt trên biển. Trước đó vào ngày 7-10, tại Thừa Thiên - Huế, tàu Công Thành 27 cũng bị chìm do sóng lớn, 11/11 thành viên đã được cứu vớt an toàn.
Ngày 8-10, Trung tâm Phòng chống thiên tai liên tục phát tin cảnh báo tình trạng lũ lụt ở miền Trung và Tây Nguyên; đồng thời cảnh báo nguy cơ mưa lũ kéo dài nhiều ngày tới ở Trung bộ.

Dự báo từ nay đến ngày 10-10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm, có nơi trên 400mm; ở nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 100mm. Từ ngày 11-10, miền Trung tiếp tục xảy ra đợt mưa lớn thứ hai, kéo dài.
Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, đến chiều 8-10, lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang dao động ở mức đỉnh; lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đang lên chậm, các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đang xuống.
Các địa phương ở miền Trung đã tổ chức di dời, sơ tán tổng cộng 3.250 hộ dân với 10.994 (nhiều nhất là ở tỉnh Quảng Trị di tán 2.796 hộ với 10.141 người) tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Theo báo cáo, đến chiều 8-10, tổng cộng có 37 xã phường bị ngập.

Trong đó ở Quảng Bình có 25 thôn, bản thuộc 7 xã của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy gây chia cắt cục bộ; 50 hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa bị ngập sâu 0,5m. Quốc lộ 15, 12, 9B, 12A bị ngập sâu từ 0,5 - 1m.
Tại Quảng Trị có 20 xã, phường bị ngập lụt, chia cắt cục bộ thuộc huyện Hướng Hóa, Đắkrông, Cam Lộ và TP Đông Hà.
Tại Thừa Thiên - Huế, quốc lộ 49B qua huyện Phong Điền bị ngập sâu nhất 0,8 - 1m, chia cắt nhiều đoạn; nhiều tuyến tỉnh lộ tại các huyện Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc ngập sâu 0,2 - 0,5m; các thôn Tam Lanh, xã Lâm Đớt và thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới bị ngập nước, cô lập.

Tại Đà Nẵng, có 8/11 xã của huyện Hòa Vang có thôn bị ngập lũ, chủ yếu ở các vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông.