Hai hình thái này kết hợp sẽ tạo tổ hợp thời tiết nguy hiểm trên Biển Đông và trên đất liền Nam bộ, Nam Trung bộ.
Theo báo cáo quan trắc, ngày 11-11, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to như: Sông Hinh 4 (Phú Yên) 271mm, Sơn Tân (Khánh Hòa) 273mm, Cam Phước Tây (Khánh Hòa) 254mm... Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận tiếp tục mưa to đến ngày 14-11. Ở Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam bộ cũng có mưa rào trong 2-3 ngày tới nhưng cường độ nhẹ. Từ ngày 16-11, mưa lũ từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa tiếp tục gia tăng phức tạp.
* Đến ngày 11-11, điểm sạt lở ở tuyến đường qua dãy núi Eo Chim đến xã Hương Trà (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) kéo dài khoảng 200m vẫn chưa được khắc phục do mưa lũ đang diễn biến phức tạp. Trong 2 tuần qua, gần 500 hộ dân với 2.200 nhân khẩu ở các thôn Trà Huynh, Trà Vân, Cà Đam (xã Hương Trà) đang bị cô lập, chia cắt. Mưa lớn kéo dài nên huyện Trà Bồng mở tạm một con đường để có lối đi bộ, xe máy cho người dân đi lại khi cần thiết.
Ông Đặng Minh Thảo, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, cho biết, huyện duy trì việc chỉ đạo các tổ cán bộ, dân quân, thanh niên xung kích địa phương để hỗ trợ người dân vận chuyển lương thực, thực phẩm, chuẩn bị thuốc men để dự trữ trong khoảng 1 tháng ứng phó với tình hình mưa lũ những ngày tới. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương lập chốt cảnh báo ở các vùng sạt lở, giăng dây không cho người dân qua lại khu vực nguy hiểm khi mưa to.
UBND huyện Bình Sơn lên phương án sơ tán các hộ dân khu vực núi Châu Má (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vì nơi đây xuất hiện 5 điểm sạt lở chiều dài 160m; chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện khảo sát, khắc phục sạt lở theo hướng hạ thấp độ cao khu vực sạt lở. Trong sáng 11-11, UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) chỉ đạo các xã Ba Tiêu, Ba Lế, Ba Điền bố trí lực lượng, tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm các khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở trong đợt mưa lớn vừa qua.
* Trong sáng và trưa 11-11, địa bàn tỉnh Bình Định đã giảm mưa, các hồ chứa bắt đầu giảm điều tiết xả lũ về hạ du. Tại khu vực hạ du sông Kôn, sông Hà Thanh lũ vẫn đổ về với lưu lượng khá lớn, nhiều vùng dân cư phía Đông huyện Tuy Phước và một phần huyện Phù Cát vẫn đang bị ngập lụt. Tại tuyến đường ĐT640 lũ rút chậm, nhiều điểm vẫn còn ngập từ 0,2-0,5m. Tại xã Thắng, Phước Hòa (huyện Tuy Phước), một số vùng dân bên sông Kôn chịu ảnh hưởng nặng của ngập lụt do lũ kèm theo triều cường.
Ông Đinh Hữu, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh (huyện Phù Cát), thông tin, lũ trên sông Kôn đã giảm nên nhiều điểm đường trên tuyến ĐT640 nước rút, nhưng các tuyến đường dân sinh của xã và nhiều vùng dân ở khu thấp trũng vẫn còn ngập sâu và chia cắt.
Cùng ngày, ông Phan Tấn Vũ, Chủ tịch UBND phường Đống Đa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), cho hay, phường đã sẵn sàng phương án sơ tán, dời dân ở 2 điểm nguy cơ sạt lở núi tại khu vực núi Bà Hỏa và núi Một. Trong đó, tại khu vực núi Một có gần 10 hộ dân ở lưng núi nằm trong vùng được cảnh báo nguy cơ cao về sạt lở núi, đang nằm trong diện theo dõi để bố trí sơ tán nhanh khi có mưa lớn.
Theo dự báo Đài khí tượng thủy văn Bình Định, từ ngày 11 đến 14-11, địa bàn này tiếp tục xảy ra mưa lịch sử, từ 150-400mm.
* Ngày 11-11, mưa lớn kéo dài kèm nước sông thượng nguồn đổ về làm một số vùng trũng các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị ngập. Đường 2 Tháng 4, đại lộ Nguyễn Tất Thành - tuyến trung tâm TP Nha Trang đi sân bay Cam Ranh ngập nhiều đoạn khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Mưa lớn làm tường rào bê tông của Trường Tiểu học xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) đổ sập, may mắn không ai bị thương. Nhiều cánh đồng lúa ở các xã Bình Lộc, Diên Lạc, Diên Thạnh, Diên Điền, Diên Phú (huyện Diên Khánh) và một số khu vực khác của thị xã Ninh Hòa cũng bị ngập. Huyện Khánh Sơn phải sơ tán 14 người dân ở thôn Tà Giang 1, xã Thành Sơn khi nơi đây bị sạt lở nghiêm trọng.
Mưa lớn cũng khiến đất đá trên đèo Khánh Lê đổ xuống quốc lộ 27C (đoạn qua huyện Khánh Vĩnh) khiến tuyến giao thông Nha Trang - Đà Lạt bị tê liệt. Chi cục Quản lý đường bộ 3 đã huy động máy xúc đào cùng lực dọn dẹp hiện trường.
Trước tình hình mưa lũ, UBND tỉnh Khánh Hòa điều động nhiều lực lượng kiểm tra thường xuyên, túc trực ở các điểm thấp trũng để ứng phó và hỗ trợ người dân. Tỉnh đã lên phương án sẽ sơ tán gần 5.100 người dân sống trong 6 điểm có nguy cơ sạt lở tại TP Nha Trang, huyện Vạn Ninh và Cam Lâm đến nơi an toàn, tránh sự cố đáng tiếc.