Mưa lũ hiếm thấy ở Đồng Nai: Thiệt hại lớn

Hy sinh cứu người
Mưa lũ hiếm thấy ở Đồng Nai: Thiệt hại lớn

Cơn mưa lớn từ tối 8-9 đến sáng 10-9 tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm 2 người chết; trên 10 căn nhà, nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đã bị nước cuốn trôi. Thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Hy sinh cứu người

Mưa lũ hiếm thấy ở Đồng Nai: Thiệt hại lớn ảnh 1
Quốc lộ 51 bị ngập nặng, gây ách tắc giao thông.

Đêm 8-9, nước dâng ngày càng cao, tràn qua quốc lộ 51 gần 1m, lúc này địa phương huy động hàng chục thanh niên cứu hộ nhằm giúp các hộ sống dọc sông Buông đến nơi an toàn.  Đến khoảng 10 giờ đêm 8-9, nhiều công ty trên địa bàn xã Phước Thái gọi điện cho công nhân của mình đến để di dời máy móc, hàng hóa.

Anh Bùi Minh Ngà (28 tuổi) và Lê Ngọc Ấn (21 tuổi) là công nhân làm việc tại xưởng sản xuất giấy gần nhà, nghe tin chạy qua và lao vào di dời máy móc, bất ngờ bị điện giật và chết tại Bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai).

Ngày 11-9, chúng tôi có mặt tại ấp Miễu. Hai quan tài nằm sát vách nhà nhau đang có hàng trăm người dân đến viếng.

Bà Huỳnh Thị Đờn, mẹ anh Ngà, nói trong nước mắt, tối 8-9, nó cùng một số anh em trong ấp xuống mé sông đưa khoảng 4 - 7 em nhỏ lên đây (nhà bà cao không bị ngập), lúc đó huyện đưa hai ca nô xuống cứu hộ nhưng không vào được vì nước chảy quá mạnh. Tụi nó liều mình ẵm 6, 7 đứa nhỏ chạy về vượt dòng nước lũ an toàn. Nó vừa định thay quần áo thì nghe công ty gọi điện đến, thế là đi luôn...

Anh Ngà chết đi để lại vợ và đứa con thơ 3 tuổi. Do anh đã mua bảo hiểm cho con nên Công ty Bảo hiểm Manulife cam kết hỗ trợ cho bé tiền học 3 triệu đồng/năm và đóng phí bảo hiểm 2,2 triệu đồng/năm cho đến khi bé tròn 18 tuổi. Còn anh Lê Ngọc Ấn chết đi để lại cho vợ một nách hai đứa con thơ đến tuổi đi học. Được biết, chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng và công ty hỗ trợ 15 triệu đồng.      

Cơn đại hồng thủy

Mưa lũ hiếm thấy ở Đồng Nai: Thiệt hại lớn ảnh 2

Tối 8-9, mưa lớn đã gây ra lũ lụt ở nhiều xã thuộc 5 huyện: Long Thành, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất và thị xã Long Khánh, làm 656 căn nhà bị ngập (có nơi sâu đến 2m), gần 1.000 ha hoa màu bị chìm trong nước; nhiều đoạn đường bị ngập, hư hỏng nặng, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ.

Riêng thị xã Long Khánh có 8 xã, phường bị ngập, trong đó xã Hàng Gòn ngập nặng nhất với 59 căn bị ngập sâu 1,5 - 2m. Xã Sông Nhạn (Cẩm Mỹ) có 200 hộ bị ngập… Đây là trận mưa gây ngập lụt lớn nhất trên địa bàn tỉnh trong vòng 3 năm qua.

Tại huyện Long Thành, nước cuốn trôi gần 15 căn nhà, quốc lộ 51 tắc nghẽn giao thông gần 10 giờ. Hàng loạt trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá bị nước cuốn trôi hoàn toàn. Tổng thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Gắc ở ấp Miễu cho biết, đây là cơn mưa lớn, hiếm thấy ở khu vực này. Lúc 8 giờ ngày 8-9, nước từ thượng nguồn chảy về các dòng suối càng lúc càng mạnh, rồi dâng cao tràn vào nhà dân khiến mọi người phải sơ tán ngay trong đêm.

Tại sông Buông trên quốc lộ 51 thuộc địa bàn xã Phước Tân, nước chảy xiết và tràn ngập vào nhà dân, nước chảy băng qua quốc lộ 51, có chỗ sâu hơn 1m, gây ùn tắc giao thông rất lâu. Bà Võ Thị Sương ở khu vực suối Cả cho biết, 6 giờ ngày 9-9, có hàng trăm xe tải, xe gắn máy bị tê liệt trên đoạn đường kéo dài hơn 15km từ xã Phước Thái đến thị trấn Long Thành.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Long Thành, Ban chỉ huy quân sự huyện và các ngành chức năng cùng với lực lượng cứu hộ tại chỗ đã huy động ca nô, thuyền đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và di dời tài sản của nhân dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do nước lũ tràn về lúc 3 giờ sáng nên việc tiếp cận nhà dân trong các vùng sâu của lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Đến 16 giờ 30 ngày 10-9, qua thống kê sơ bộ, thiệt hại tại các xã đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Nặng nhất là cơ sở chăn nuôi gà An Thịnh Phát nằm bên dòng Suối 1 ở vị trí giáp ranh giữa hai xã Phước Bình và Tân Hiệp bị nước cuốn làm chết ngộp 170.000 con gà, trị giá gần 10 tỷ đồng. Đây là cơ sở chăn nuôi gà lớn nhất nhì cả nước, được đầu tư kỹ thuật và công nghệ hiện đại, xây dựng năm 2007 với vốn ban đầu là 30 tỷ đồng.

UBND huyện Long Thành đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành chôn lấp gia súc đúng theo quy định, hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả. Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ các gia đình bị ngập nặng tiền mặt, mì gói và gạo.

Tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện Long Thành tiếp tục có nhiều chuyển biến phức tạp, xuất hiện những cơn mưa kéo dài, có thể gây ngập lụt trên địa bàn các xã Phước Tân, Tam An, An Phước.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục