Hà Nội: Người dân vùng “rốn lũ” được hỗ trợ kịp thời
Các trạm quan trắc đã ghi nhận lượng mưa tại phường Hồng Hà (trung tâm TP Hạ Long) lên tới 254mm. Đến sáng thì nước ngập lênh láng các tuyến đường, tràn vào các nhà dân ở phường Hồng Hà (trung tâm TP Hạ Long). Nhiều hộ gia đình ở đây phải dậy chạy lụt, sơ tán đồ đạc trong đêm.
Đến chiều 30-7, vùng mưa mở rộng ra nhiều tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn và TP Hải Phòng… với cường độ tiếp tục lớn. Hàng loạt tuyến đường, tuyến phố, khu dân cư ở trung tâm TP Lạng Sơn như: Phú Lộc, Ngô Quyền, Hùng Vương, ngã tư Mỹ Sơn, ngõ 2 đường Bà Triệu… ngập trắng nước do mưa không tiêu thoát kịp ra sông Kỳ Cùng. Dọc quốc lộ 1A qua xã Hoàng Đồng (TP Lạng Sơn) cũng ngập sâu trong biển nước…
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, lượng mưa vượt 100mm đã gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại Km 257 của quốc lộ 3 đoạn qua đèo Tài Hồ Sìn (huyện Hòa An) với chiều dài 26m, đất đá vùi lấp cao hơn 12m và phủ kín mặt đường rộng 10m. Giao thông từ TP Cao Bằng về Hà Nội và ngược lại qua đoạn đường này bị tê liệt; các xe phải di chuyển theo quốc lộ 34B sang tỉnh Lạng Sơn. Trong khi tại tỉnh Bắc Kạn, một vụ sạt lở trên tuyến đường từ xã Côn Minh (huyện Na Rì) sang xã Cao Sơn (huyện Bạch Thông) khiến 2 người đi đường bị thương vào chiều 30-7.
Gần 1 tuần qua do ảnh hưởng của cơn bão số 2 gây mưa lớn, nhiều khu dân cư trên địa bàn 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai của TP Hà Nội đã bị ngập lụt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống và sức khỏe người dân.
Qua kiểm tra thực tế tại các vùng ngập lụt trên địa bàn, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2 gây mưa lớn đã làm vỡ 2 vai đập (tại xã Nam Phương Tiến và Tân Tiến); hư hỏng 851m kênh mương cùng nhiều cầu, cống, đập nhỏ. Mưa lớn đã làm ngập 24 thôn xóm với 1.504 hộ bị ngập từ 0,5-2m; số nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi ngập cần cứu trợ là 5.543; số nhân khẩu phải sơ tán là 3.711. Chính quyền địa phương đã tổ chức tiếp nhận và cấp phát hỗ trợ lương thực (gần 2.765 bình nước uống, gần 1.700 thùng mì tôm, 100 gói lương khô, 100 túi bánh mì, 200 lốc sữa tươi...) cùng nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc men; lắp đặt téc và cung cấp nước sạch tại 10 điểm; bố trí 1 trạm y tế lưu động trên địa bàn xã Nam Phương Tiến để kịp thời khám chữa bệnh cho bà con nhân dân.
3 người thiệt mạng
Ông Nguyễn Đức Đặng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên thông tin, trận mưa kéo dài từ ngày 29-7 đã làm sập 35m kè tường Trạm Y tế Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ). Chính quyền huyện Nậm Pồ đã sơ tán 8 hộ dân có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn.
Ông Cao Văn Viên, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, cho biết ngày 30-7, trên địa bàn có 2 nạn nhân thiệt mạng, gồm: bà Chang Thị Th. (sinh năm 1980, ở thôn Kể Cải, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa) do sạt lở đất khi mưa lớn và anh Nguyễn Anh T. (sinh năm 1991, trú tại tổ 3, thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà) bị lũ cuốn trôi.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên cho biết, tính đến 17 giờ ngày 30-7, có 1 nạn nhân thiệt mạng trên địa bàn huyện Định Hóa là chị Mông Thị Q. (sinh năm 1999, trú tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh) do lũ cuốn trôi khi đi làm qua suối ở làng Vẹ, xã Định Biên (tìm được thi thể lúc 9 giờ 10 sáng 30-7).
Theo các chuyên gia khí tượng, nguyên nhân mưa gió lớn ở khu vực Đông Bắc bộ và miền núi phía Bắc là do ảnh hưởng của dải hội tụ gió. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, từ chiều và đêm 31-7, tình trạng mưa lớn ở miền Bắc sẽ giảm.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long thị sát vùng ngập lũ ở Hà Nội
Chiều 30-7, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đi xuồng máy từ đê tả sông Bùi sang thôn Nhân Lý, nơi ngập sâu nhất của xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) để kiểm tra tình hình úng ngập và thay mặt Chính phủ tặng quà, động viên, chia sẻ khó khăn với người dân vùng rốn lũ ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân vùng lũ, rà soát các hộ dân ở khu vực nguy hiểm để có phương án sơ tán. Dự báo những ngày tới có thể mưa còn tiếp diễn, tình trạng ngập lụt chưa thể cải thiện ngay, UBND TP Hà Nội cần tiếp ứng lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đầy đủ, kịp thời cho bà con. Phó Thủ tướng đề nghị về lâu dài, Hà Nội cần phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp chống ngập cho vùng rốn lũ này.