Trưa ngày 4-11, ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vào tối ngày 3-11 cho đến sáng nay trên địa bàn huyện xuất hiện mưa lớn kèm theo gió mạnh. Nhiều khu vực trên địa bàn huyện bị nước ngập cục bộ, chia cắt dân cư. Ngoài ra, gió mạnh đã khiến hàng trăm căn nhà của các hộ dân, trường học, trụ sở hành chính bị tốc mái, cây cối ngã đổ nhiều nơi.
Theo ông Khiêm, sáng ngày 4-11, một học sinh đã bị tôn cắt vào người phải đi cấp cứu tại bệnh viện.
“Huyện đã tổ chức, bố trí cho người dân có nhà bị tốc mái nơi ăn ở để trú bão. Lãnh đạo huyện đang tổ chức đi kiểm tra, thăm hỏi và động viên nhân dân phải tích cực đề phòng, tránh thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra”, ông Khiêm thông tin.
Tại huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) cũng chịu thiệt hại nặng do mưa bão, nhiều cây cối, trụ điện ngã đổ, một số ngôi nhà bị tốc mái. Trao đổi với phóng viên, ông Văn Khả Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) cho biết: “Mưa lớn kèm theo gió mạnh đã làm nhiều cây cối ngã đổ. Địa phương đang cử lực lượng túc trực kiểm tra, vận động người dân phòng chống mưa bão”.
Trao đổi nhanh với phóng viên, một đại diện Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai Đắk Lắk cho biết: “Các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Krông Năng nằm giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa nên bị ảnh hưởng thiệt hại nặng do cơn bão gây ra. Các khu vực này có nhiều cây cối gãy, cột điện ngã đổ, nhà bị gió giật tốc mái. Một số khu vực bị ngập cục bộ, giao thông chia cắt không đi lại được. Hiện tại chưa có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản rất lớn”.
Trước đó, vào lúc 10 giờ sáng ngày 4-11, ông Nguyễn Thế Tập - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện M’Đrắk, cho biết: Tốc độ gió thời điểm đó ở địa phương khoảng cấp 9, cấp 10 và lượng mưa từ tối qua đến sáng sớm nay đã hơn 100mm. Một số nhà dân ở xã Krông Jin, Ea Riêng bị tốc mái. Ngay từ sáng sớm, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện M’Đrắk đã khẩn trương di dời các hộ dân ở Buôn Lêch, xã Krông Jin ra khỏi vùng nguy hiểm.
“Huyện đang huy động lực lượng 4 tại chỗ đồng thời cho thêm lực lượng bám, nắm, kiểm tra để báo cáo xử lý. Hiện nay các lực lượng đang đi xuống cơ sở”, ông Tập cho hay.
Ngoài ra, tại các huyện Ea Kar, Krông Năng và Krông Bông gió đã mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, làm mất điện ở nhiều nơi.
Bên cạnh đó, các điểm ngầm tại thôn 2, thôn 5, xã Cư Prao cũng bị ngập không đi lại được và ngầm thôn 4 bị nước xoáy sâu vào mặt đường gây sạt lở nghiêm trọng.
Khẩn cấp cho học sinh nghỉ học để tránh bão
Sáng 4-11, ông Trương Thức – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, Sở đã có công văn khẩn cấp gởi phòng GD-ĐT huyện M’Đrắk và Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng cho học sinh các cấp mẫu giáo, tiểu học và THCS nghỉ học. Lý do, hai huyện này bị ảnh hưởng lớn bởi cơn bão số 12.
Ông Thức cũng cho biết, đã chỉ đạo 8 trường THPT trên các địa bàn các huyện nghỉ học gồm: THPT Lý Tự Trọng (huyện Krông Năng); THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện M’Đrắk); THPT Trần Hưng Đạo, THPT Krông Bông (huyện Krông Bông); THPT Ea H’leo (huyện Ea H’leo), THPT Hai Bà Trưng (Thị xã Buôn Hồ) và THPT Nguyễn Thái Bình (huyện Ea Kar).
Theo công văn khẩn của Sở GD-ĐT Đắk Lắk, các Phòng GD-ĐT trên địa bàn phải theo dõi tình hình mưa lũ, cảnh báo để cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh hết sức cẩn trọng trong việc đến trường và về nhà đề phòng tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, trong trường hợp xét thấy có thể xảy ra nguy hiểm đến tính mạng của cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh do mưa lũ, ngập lụt… cần chủ động cho học sinh nghỉ học.
Lãnh đạo các đơn vị cần báo cáo với Sở GD-ĐT về trường hợp, sự cố bất thường xảy ra, đặc biệt là những thiệt hại về người và của cải.