Sáng nay, tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có mưa lớn và gió to. Một số tuyến đường bị ngập, giao thông ách tắc. Tại xã Trà Mai xuất hiện nhiều điểm sụt lở núi. Chính quyền địa phương đã kịp thời di dời dân đến nơi an toàn
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, khoảng 1 đến 2 giờ nữa, diềm ngoài của bão sẽ vào bờ.
“Chúng ta có thuận lợi là bão sẽ vào ban ngày nên dễ quan sát. Tuy nhiên, bất lợi là mưa toàn tuyến từ hôm qua đến giờ và sắp tới dự báo sẽ có mưa rất lớn. Chúng ta phải cẩn thận đề phòng và lên phương án cho việc lũ lớn, sạt lở đất sẽ xuất hiện ngay sau bão", ông Nguyễn Xuân Cường nói. |
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo phải thông tin nhiều hơn về bão số 9 cho các tỉnh Tây Nguyên - nơi dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng khi bão số 9 đổ bộ vào sáng mai để tránh "hở sườn" khu vực này.
"Theo dự báo, bão sẽ ảnh hưởng nặng đến các tỉnh Nam Tây Nguyên, tuy nhiên hiện nay, các thông tin cảnh báo chúng ta mới chỉ tập trung phần lớn cho khu vực các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Điều này rất nguy hiểm bởi sẽ tạo tâm lý chủ quan cho khu vực này", ông Cường nói. |
Ông Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị cho kịch bản mất điện trên diện rộng để tránh không bị động trong công tác chỉ đạo điều hành ứng phó sau bão.
La liệt ô tô tránh bão ven quốc lộ 1 tại Lăng CôSáng nay 28-10, do ảnh hưởng bão số 9, tại TP Huế và các huyện, thị phía Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xuất hiện gió cấp 5, cấp 6 kèm theo mưa vừa đến mưa to và đang mạnh dần. Hiện chính quyền các cấp tại Thừa Thiên - Huế vẫn đang kiểm soát và nghiêm cấm người dân ra đường để tránh bão, trừ lực lượng thực thi công vụ cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh. Công an huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cắt bỏ những cành cây xanh gẫy đổ xuống mặt đường quốc lộ 1A Sáng cùng ngày, trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên -Huế, gió bão số 9 đã quật gẫy nhiều cành cây xanh ven đường. Công an huyện Phú Lộc huy động xe chuyên dụng và cưa máy để cắt bỏ và thu dọn để quốc lộ 1A thông suốt. Riêng đoạn quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Phú Lộc (chiều Huế đi Đà Nẵng) hiện có hàng trăm phương tiện các loại đậu đỗ vì hầm đường bộ Hải Vân đóng cửa phòng chống bão. Ô tô ùn ứ trên quốc lộc 1A đoạn qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế do hầm đường bộ Hải Vân đóng cửa phòng chống báo số 9 Trong đêm qua và sáng nay 28-10, Công an và quân đội đã tiến hành tuyên truyền và di dời hàng ngàn người dân vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở đến nơi trú ẩn tránh bão số 9. Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên – Huế dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền và sẽ xuất kho khi cần. UBND các huyện, thị xã và TP. Huế 1.400 tấn gạo, 203 tấn mì ăn liền, 445.000 lít nước, 248.000 lít xăng, dầu và 8 tấn muối. |
Tính đến sáng 28-10, Quảng Ngãi đã có hai người chết do bão số 9. Cụ thể: Ông Nguyễn Văn Hiệp (39 tuổi, ngụ xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành), bị ngã và không qua khỏi vào chiều ngày 27-10 khi đang chằng chống nhà ở.
Một người khác là ông Lê Đức Hiếu (40 tuổi, ngụ Phước An, Đức Hoà, huyện Mộ Đức) chặt cây chống bão tại trường THCS Minh Thạnh bị té ngã. Ông Hiếu được chuyển đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, trời tiếp tục mưa nặng hạt. TP Hội An nghiêm cấm ngưòi dân đi đến những nơi gần biển.
Tại Cửa Đại nước biển đang dâng cao, xô mạnh vào bờ kè; mực nước bắt đầu dâng lên, sóng cao đã áp sát bờ. Sức gió hiện nay tại vùng biển Cửa Đại, TP Hội An đạt khoảng cấp 8-9.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, hiện tại hầu hết các tuyến đường trong phố cổ Hội An đã bị ngập nước; Gió mạnh lên từng hồi. Mực nước lúc 8 giờ tại Hội An là 1,28m. Từ khuya đến giờ bắt đầu có mưa lớn, kết hợp nước biển dâng do bão và thủy triều đang lên.
Tại Cù Lao Chàm gió giật cấp 10, cấp 11 và đang có chiều hướng mạnh lên. Lực lượng biên phòng túc trực 24/24 để đảm bảo an toàn cho người dân.
Tại một số xã: Điện Hồng, Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam), đã bị cúp điện từ sáng sớm.
Còn tại huyện miền núi Tây Giang cúp điện từ nửa đêm hôm qua và vừa có lại sáng nay. Người dân cơ bản được sơ tán nên chưa có thiệt hại về người.
Tại Quảng Nam, tính đến 4 giờ sáng nay lượng mưa phổ biến từ 20 – 60mm, có nơi cao hơn như Tam Trà 122mm, Phước Thành 91.8mm. Đến 5 giờ sáng nay, Tam Kỳ có gió giật cấp 6 (12m/giây), Cù Lao Chàm cấp 8 (19.9m/giây).
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam, bão số 9 gây gió rất mạnh vùng ven biển phía nam (Núi Thành, TP Tam Kỳ, Thăng Bình, các xã Duy Nghĩa, Duy Vinh, huyện Duy Xuyên và TP Hội An), với cấp gió cấp 11-12, giật cấp 13-14. Thời gian gió mạnh tập trung trong khoảng 9-12 giờ ngày hôm nay 28-10. Các địa phương còn lại có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 11-12.
8 giờ 20, tại huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã có gió mạnh, giật cấp 9 kèm theo mưa lớn. Nhiều công trình bảng hiệu, cây cối đã bị đổ ngã; một số nhà cấp 4 của người dân bị tốc mái.
Tại xã Bình Châu, nhiều người dân thấy không an toàn nên đã di chuyển sang nhà kiên cố hơn hoặc đến trụ sở xã để trú ẩn.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch xã Bình Đông cho biết hiện tại nước biển dâng cao vào đến nhà dân, sóng cao hơn 3m.
Lúc 7 giờ 30 sáng 28-10, tại TP Đà Nẵng trời mưa rất mưa to kèm gió mạnh. Tại đường Trưng Nữ Vương, 2-9, Núi Thành... gió giật mạnh làm nhiều mái tôn, bảng hiệu quảng cáo, cây cối bên đường kêu ràn rạt. Trên đương vắng bóng người và phương tiện lưu thông.
>> Clip gió mạnh trên cầu Trần Thị Lý. Thực hiện: VĂN QUANG
Tại khu vực trên cầu Trần Thị Lý bắc qua sông Hàn mưa rất to, gió giật mạnh, nhiều người dân điều khiển xe gắn máy khi lưu thông qua gần giữa cầu gặp gió quất mạnh khiến không thể tiếp tục lưu thông phải quay ngược trở lại hoặc bám vào thành giữa cầu chờ gió lặng mới tiếp tục lưu thông, đặc biệt một số người dân và xe máy đã bị gió giật ngã.
Sáng 28-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa đi kiểm tra cơ sở hạ tầng và tình hình người dân tại Trung tâm dịch vụ việc làm (số 278 đường Âu Cơ, TP Đà Nẵng).
Phó Thủ tướng thăm hỏi tình hình từng hộ dân, tuyệt đối ko trở về nhà khi tình hình mưa lũ phức tạp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống cho người dân các nơi trú ẩn đầy đủ, ít nhất là đến hết ngày mai.
Đến 7 giờ 30 phút sáng 28-10, các xã ven biển tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra mưa lớn kèm gió gầm hú. Từ trên cao chúng tôi ghi nhận sức gió với cường độ rất mạnh. Trời mịt mù, cây cối, nhà cửa, công trình mọi thứ như sắp bị nhổ bật.
Đang tránh trú bão tại nhà hàng xóm, ông Lê Văn Nhất, 61 tuổi, thôn Liên Trì, Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, cho biết: "Bão chưa nhập bờ mà mưa gió đã kinh hoàng. Gió kiểu này chắc khi bão đổ bộ chắc nhà cửa chúng tôi sẽ bị tàn phá nặng nề. Trước mắt dân làng cứ lo cho tính mạng trước đã còn nhà cửa, tài sản chịu thôi. Tôi sống đến nay chưa thấy cơn bão nào chưa đổ bộ mà gió đã khủng khiếp thế này".
Tại Quảng Ngãi, đến khoảng 3 giờ sáng 28-10, tại huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), PV Báo SGGP ghi nhận, trời bớt mưa nhưng gió lớn bắt đầu quần thảo rất mạnh theo hướng Bắc – Nam. Gió lớn gào rú khiến cây cối, công trình rung lắc dữ dội, mọi thứ như sắp bị nhổ bật lên.
Đến 5 giờ sáng cùng ngày, tại nhà tránh trú bão của xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) cách bờ biển 500m gió đã rít mạnh từng cơn liên hồi dữ dội. Từ phía dọc bờ biển, có thể nghe thấy tiếng biển động dữ dội, sóng biển xô sạt vào bờ rất mạnh. Để đảm bảo an toàn cho người dân, nhiều khu vực trên địa bàn đã cắt điện để tránh tình trạng nhiễm điện do cây cối ngã đổ.
Tại xã Bình Hiệp (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) gió lớn gào rú làm cây cối, công trình rung lắc đổ ngã. Trong đêm 27 đến sáng 28-10, tại nhà nghỉ của anh Nguyễn Tấn Sơn (58 tuổi, xã Bình Hiệp) đang cho gần 100 người dân chủ yếu ở làng biển đến tá túc, trú bão. Khoảng 4 giờ sáng, một số người dân ở xã Bình Hiệp do thấy gió quá lớn nên đổ đến xin anh Sơn tá túc. Nhiều người bồng bế theo con dại để trú bão.
Từ đêm 27-10, bà cụ Đặng Thị Lý (84 tuổi, xã Bình Hiệp) không thể nào ngủ nổi do gió quá mạnh. Đến gần 4 giờ sáng gió lớn gào rú, bà cháu cụ Lý không thể ở yên được đành phải dắt díu nhau chạy sang xin anh Sơn tá túc tạm. “Gia đình chỉ có 3 bà cháu, cháu nhỏ mới sinh, nhà không có đàn ông nên tôi lo quá đành đóng nhà, đưa các cháu đi trú bão trong đêm”, cụ Lý nói.
Đến khoảng 4 giờ sáng, gió tăng cấp độ. Từ ngoài bờ biển vào nội thành Quy Nhơn nhiều công trình, nhà cửa, cây xanh bị gió cuốc tốc đổ ngã, hư hại…
MỜI QUÝ ĐỘC GIẢ ĐÓN XEM THÔNG TIN TỔNG THUẬT TÌNH HÌNH BÃO SỐ 9 TRÊN NHẬT BÁO SGGP, SỐ RA SÁNG MAI 29-10-2020 |