Nhiều sân chơi giải trí hè đã mọc lên ở các địa phương, nhưng chất lượng mỗi nơi một kiểu, chưa đáp ứng được nhu cầu cho con theo học và vui chơi của phụ huynh.
Bậc phổ thông: Quá ít lựa chọn
Sáng 6-6, có mặt tại cổng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), chị Nguyễn Thanh, phụ huynh có con đang học lớp 6, một trường THCS ở quận 5 cho biết, trường của con không tổ chức học hè nên mấy ngày nay chị phải hỏi thăm bạn bè, tìm kiếm thông tin trên mạng để tìm chỗ gửi con. Sau khi liên hệ văn phòng Trường THCS Trần Văn Ơn, chị một lần nữa thất vọng vì khóa hè đã khai giảng hôm 4-6. “Hiện tại trường vẫn nhận thêm học sinh nhưng lịch học chỉ 3 buổi/tuần, mỗi buổi kéo dài hơn 3 giờ, tức học buổi sáng, trưa phụ huynh phải đón về khiến tôi chưa biết sắp xếp thời gian đưa đón cháu thế nào”, chị Thanh bày tỏ.
Tương tự, chị Thư An, phụ huynh có con đang học một trường tiểu học ở quận Gò Vấp cho biết phải lặn lội từ Gò Vấp lên tận quận 1 tìm lớp hè cho con. Sau khi tham khảo học phí và thời khóa biểu các lớp hè do Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) tổ chức, chị An lắc đầu cho biết: “Phụ huynh chỉ có hai lựa chọn là đăng ký lớp nửa ngày vào các buổi sáng hai, tư, sáu, 10 giờ 30 phải đón về; hoặc chọn lớp bán trú, học tất cả các ngày trong tuần và tan học lúc 16 giờ 30 chiều. Nhưng học phí lớp bán trú hơn 4,3 triệu đồng/khóa học kéo dài 6 tuần, tính ra mỗi tuần gần 1 triệu đồng. Nếu đăng ký lớp nửa ngày học phí mềm hơn, nhưng gia đình không có người đưa đón”.
Lý giải về việc không tổ chức khóa hè, đại diện nhiều trường tiểu học cho biết, nhu cầu học hè của phụ huynh và học sinh rất đa dạng. Có gia đình muốn con học kỹ năng sống, người khác lại muốn con học ngoại ngữ và tin học, một số muốn con rèn luyện các môn thể dục thể thao. “Nhân sự trong trường không đủ vì chỉ một nửa giáo viên có nhu cầu dạy hè. Nếu thuê giáo viên từ bên ngoài, chúng tôi không cân đối nổi chi phí”. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Gò Vấp cho biết. Thêm vào đó, số lượng học sinh đăng ký học hè thường ít hơn tổng số học sinh trong năm học chính khóa. Nếu trường tổ chức các lớp bán trú, dù ít học sinh nhưng vẫn phải huy động toàn bộ lực lượng từ ban giám hiệu, bảo vệ, y tế, cấp dưỡng, bảo mẫu nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trước đó, tại văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động hè do Sở GD-ĐT TPHCM công bố vào cuối tháng 5-2018 nêu rõ, các trường phổ thông không được tổ chức dạy học, ôn tập văn hóa trong dịp hè. Nếu tổ chức khóa hè, trường chỉ tập trung tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm theo hình thức câu lạc bộ có thu phí. Tuy nhiên, từ nội dung chương trình, học phí đến chất lượng giáo viên đều trên tinh thần “giữ trẻ là chính”, không đặt nặng yếu tố chuẩn đầu ra sau khi kết thúc khóa học.
Trong khi đó, khóa hè do các trung tâm ngoại ngữ, trường đào tạo kỹ năng sống tổ chức có mục tiêu đào tạo rõ ràng, lịch học kéo dài cả tuần và có tổ chức lớp bán trú nhưng học phí dao động từ 15-30 triệu đồng/học sinh/khóa học. Đây là mức phí “vượt ngoài tầm với” đối với nhiều gia đình cán bộ, công chức nhà nước nên phụ huynh vẫn không có nhiều lựa chọn.
Nở rộ nhóm trẻ tư nhân
Anh Minh Long, phụ huynh có con đang học tại Trường Mầm non Anh Đào (quận Gò Vấp) cho biết, các năm trước trường có tổ chức lớp giữ trẻ trong dịp hè, nhưng năm nay do phải sửa chữa cơ sở vật chất nên không mở lớp. Anh Long cùng nhiều phụ huynh khác đã nhờ được một giáo viên trong trường nhận giữ các bé tại nhà cô giáo. “Nhờ tôi quen biết và đăng ký sớm chứ nhiều phụ huynh đăng ký trễ cô không nhận thêm vì sợ lớp đông không đảm bảo an toàn cho các bé”.
Tương tự, một phụ huynh có con đang học mẫu giáo ở quận 5 cũng tìm đến nhà một giáo viên mầm non đã về hưu sống gần nhà để gửi con vì trường bé đang theo học không mở lớp hè. Đặc biệt, đối với các gia đình có con vừa tốt nghiệp lớp mầm non 5 tuổi càng lao đao vì giữa tháng 8-2018 các trường tiểu học mới bắt đầu tập trung học sinh. Nắm bắt tâm lý đó, nhiều trường mầm non trên địa bàn các quận 12, Gò Vấp vẫn nhận các bé 6 tuổi có nhu cầu đăng ký học hè. Điều kiện phải là học sinh cũ từng theo học tại trường, phụ huynh đồng ý cho con học ghép chung với các lớp mầm non 5 tuổi.
Mới đây, tại buổi làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM về quản lý mầm non ngoài công lập, đại diện Phòng GD-ĐT Gò Vấp cho biết, hè là thời điểm nở rộ hoạt động của các nhóm trẻ tư nhân nên địa phương phải thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, quản lý. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, việc quản lý chủ yếu tập trung vào việc nhắc nhở, yêu cầu chủ nhóm lớp đảm bảo các vấn đề về an toàn, vệ sinh thực phẩm cho trẻ.
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP, các trường mầm non công lập sẽ bắt đầu tổ chức giữ trẻ trong hè từ ngày 18-6 đến hết 17-8 theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh. Trong khi đó, năm học 2017-2018 đã kết thúc từ cuối tháng 5 và các trường sẽ đồng loạt khai giảng vào ngày 5-9. Như vậy, phụ huynh sẽ có hơn một tháng phải tìm chỗ gửi con tại các điểm giữ trẻ bên ngoài do trường công chưa mở lớp.