Ba tôi nghề gì cũng làm, ai kêu gì ba làm đó. Từ thợ hồ, sửa giày dép, bán cà phê đến chạy xe ôm. Người ta nói với tôi nghề của ba là “thợ đụng”. Tôi không hiểu hàm ý của họ khi nói về nghề của ba lúc ấy. Sau này khi lớn được một chút, biết nghĩ suy, tôi mới hiểu. Ba làm nhiều nghề vậy chứ chẳng dư dả là bao, trong khi nuôi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Vậy nên, mấy ngày giáp tết, ba thuê sân bãi nhỏ trên một con đường trong phố để bán bông tết.
“- Chú ơi! Thược dược đỏ loại chậu thấp này bao nhiêu một cặp?
- 70 ngàn con ơi. Hoa năm nay rẻ mà đẹp. Mua ủng hộ chú cặp đi con”.
“- Bé ơi! Thược dược cánh sen này bán sao con?
- Dạ, 90 ngàn một cặp cô ạ. Cặp này cao, hoa đẹp nên giá cao hơn so với thược dược đỏ đằng kia hay mấy cặp màu vàng chanh cô ạ”.
Người đi mua bông đón tết, người sắm sửa cúng mừng xuân. Dường như, tết đã vội tưng bừng kéo về trên mọi nẻo đường, chạy dọc qua các tuyến phố trong cái vẻ rộn ràng và náo nức tạm biệt những ngày cuối năm. Nhưng đâu ai biết trong sâu thẳm đôi mắt của người bán bông như ba là những âu lo mỗi khi mùa xuân sang. Người đàn ông sinh ra ở xứ Quảng từ xưa đến nay đều giữ trọng trách thờ cúng tổ tiên ông bà. Tháng chạp đến nghĩa là mùa giỗ chạp lại về. Ba phải tân trang lại nhà thờ tộc, phải lo các đám hiếu hỉ của dòng họ, trong năm cố gắng làm ăn thì cuối năm lại chi hết vào những khoản đó. Vì thế, nghề bán bông giúp ba có thêm thu nhập để trang trải cho tết nhất, để mấy đứa con có một cái tết đủ đầy.
Bán bông mấy ngày tết tuy vui nhưng vất vả hơn thường nhật. Miền Trung những ngày giáp tết mưa dai dẳng, lạnh căm căm. Khuya về, sương xuống làm dày thêm lớp không khí lạnh ở mặt đất. Tấm chăn ba mang theo để ngủ ở bãi chẳng thể nào ngăn được cái rét ùa vào da thịt. Có những hôm ba thức trắng đêm cùng hoa.
Thược dược rất kén khách, lại khó chăm, không như cúc đại đóa, cúc kim cứng cáp, căng tràn sức sống, tự tin khoe sắc dưới nắng xuân rực rỡ. Mỗi tối ba phải soi đèn đi bắt sâu rệp, bởi cánh hoa thược dược mảnh khảnh chỉ cần vài con sâu đục là rụng ngay, không đợi được ngày cùng khách “chơi” tết. Thêm thời tiết không chiều lòng người, coi như ba mất đi vài cặp bông. Năm hoa được mùa, ba mang về chút tiền để má lo liệu mâm cúng giao thừa, làm hũ thịt muối cho bữa cơm tết trọn vị, tiếng cười vì thế cũng giòn hơn. Năm tiết trời ẩm ương, từ trong nhà nhìn ra ngõ thấy hoa xếp thành hàng, ba chẳng thể nào giấu được nỗi buồn sau ánh mắt. Đêm ba mươi tết khi nhà nhà bắt đầu đổ ra đường đón giao thừa, ba thu dọn sân bãi rồi mới chịu chạy đi sắm cho mình bộ đồ mới. Chỉ khi đó ba mới thảnh thơi nghĩ về bản thân mình.
Năm tháng trôi qua, khi tôi đã lớn khôn, đã lập gia đình và sinh con, tôi càng thấm thía ý nghĩa của bốn chữ “công cha nghĩa mẹ”. Một đời ba đã dành trọn vẹn tình thương cho những đứa con. Ba là điểm tựa để tôi cất những bước đi đầu tiên, là cánh chim cho tôi bay thật xa, là bờ vai nơi tôi có thể tìm về.
Thụy Điển mùa này tuyết phủ trắng xóa mọi lối đi, làm bước chân người đi đường trở nên nặng trĩu. Cách tôi nửa vòng trái đất, tết đang về với mọi nhà, đoàn viên và sum vầy. Nhìn những nhánh bông thược dược duyên dáng, xúng xính khoe sắc trong một tiệm hoa ven đường, bất giác tôi muốn được trở về.
ĐẶNG NHUNG
Quận Hải Châu, Đà Nẵng