Trẻ chơi game online tăng
Rảo qua một số tiệm game trên địa bàn TPHCM ở quận Tân Bình, quận 12, quận Gò Vấp… không khó để bắt gặp nhiều em nhỏ đang trong độ tuổi học sinh ngồi cả ngày chơi game online. Các tụ điểm game online là nơi các em dễ bộc lộ cá tính, dễ nhiễm thói xấu như nói tục, chửi thề... khi nhập vai vào các nhân vật ảo trong game.
Thực tế, bên cạnh một số game trí tuệ, giúp trẻ phát triển, vẫn còn nhiều loại game online mang tính bạo lực, kích động bạo lực, không phù hợp với lứa tuổi. Thậm chí, nhiều game cung cấp vũ khí như súng, dao, kiếm, khuyến khích người chơi giết nhiều người trong game càng tốt...
Đến một tiệm game trên đường Dương Thị Mười, quận 12, chúng tôi ghi nhận bên trong có khoảng 20 máy, tất cả đều kín người chơi, đa phần là các em nhỏ độ tuổi học sinh, sinh viên. Hầu hết các trò chơi đều mang tính nhập vai, bạo lực, thậm chí nhiều em còn thoải mái nói tục, chửi thề. Trò chuyện với em L.G.H., ngụ quận 12, em cho biết, hè đến được nghỉ học phải ở nhà rất chán, ban ngày bố mẹ đi làm nên em và bạn cùng lớp thường rủ nhau ra tiệm internet gần nhà để chơi game theo nhóm cho đỡ buồn. Khi chúng tôi hỏi về tiền để chơi game, H. thật thà: “Em và bạn cùng lớp thường để dành tiền ăn sáng để tới quán chơi game, mỗi ngày em nạp khoảng 20.000 đồng chơi được 5 tiếng, còn lại để dành ăn trưa, chơi đến lúc nào chán thì về”.
Khoảng 10 giờ sáng tại một tiệm game trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, chúng tôi quan sát bên trong có khoảng 30 máy, đều đã kín chỗ, rất đông em nhỏ trong độ tuổi học sinh đang say sưa nhập vai vào các nhân vật trong game. Em T.C.D., ngụ đường số 3, quận Gò Vấp kể: “Bố mẹ, anh chị em đều đi làm cả ngày đến tối mới về, em ở nhà với ông bà nội nên rất buồn. Em cố gắng làm xong bài tập được giao rồi mới ra đây chơi game”.
Cùng giúp con trải nghiệm
Ngay từ đầu tháng 6, ghi nhận tại nhà thiếu nhi các quận, huyện ở TPHCM, hầu hết các đơn vị đều triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa sôi động, bổ ích mùa hè như bơi lội, võ thuật, học vẽ, đàn, học kỳ quân đội... Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không có điều kiện, thời gian đăng ký cho con tham gia, họ để con ở nhà tự học, tự chơi và nhiều em nhỏ tìm đến game online để giải trí là vì vậy.
Chị Nguyễn Thị Huyền, ngụ quận Phú Nhuận, lo lắng khi ngày hè gia đình không biết gửi gắm con ở đâu, để con ở nhà thì không an tâm. Chị Huyền nói: “Ngày nào cũng thấy con cắm mặt vào máy tính, điện thoại chơi game nên tôi tịch thu điện thoại. Ai dè mấy ngày rồi nó nổi loạn, đóng cửa, nằm lì trong phòng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, nguồn kinh tế gia đình eo hẹp nên không thể cho cháu đi chơi xa, tôi đang tìm các lớp ngoại khóa, học bơi gần nhà cho con tham gia. Nếu để con ở nhà một mình tôi rất sợ con sẽ tụ tập bạn bè để chơi game”.
Còn với chị Trần Thị Hạnh, ngụ quận Tân Phú, có con trai đang học lớp 8. Thay vì cho con đi học thêm hoặc ở nhà, gia đình chị cho con đăng ký lớp học võ, học bơi với tần suất 4 buổi/tuần tại nhà thiếu nhi quận. Theo chị Hạnh, ngày hè nên cho con theo học các bộ môn mà con yêu thích để tạo sự thoải mái, cũng là tôn trọng ý kiến, sở thích cá nhân của con. “Các môn học ngoại khóa sẽ giúp con thoải mái tinh thần, giúp phát triển chiều cao, cân nặng và rèn luyện sức khỏe rất tốt, nên gia đình tôi tin tưởng cho con theo học”.
Theo ThS Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên ngành Tâm lý học, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, trẻ nghiện game ngoài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, còn dẫn đến hành vi mất kiểm soát, thiếu kiềm chế, nguy cơ dẫn đến rối loạn hành vi hoặc trầm cảm. Bên cạnh đó, nếu trẻ nghiện game khi nhập vai quá mức có thể dẫn đến chứng ảo tưởng, đa nhân cách, sống ảo theo nhân vật trong game. Việc trẻ tiếp xúc với các game độc hại lâu ngày có thể khiến trẻ có những hành vi lệch chuẩn với xã hội, dễ dẫn đến những hành vi phạm pháp mà trẻ chưa nhận thức đầy đủ. Ngoài ra, còn gây ám ảnh tâm trí, trẻ bị kích thích dẫn đến tách biệt với xã hội, giao tiếp kém, sống với thế giới ảo, nhân cách lệch lạc.
“Phụ huynh cần trao đổi với con về tác hại của game, cho con xem những câu chuyện có thật vì game mà ảnh hưởng đến việc học, sức khỏe tinh thần, thể chất, tương lai. Bố mẹ cần trò chuyện, chia sẻ, lên kế hoạch những hoạt động con có thể tham gia trong dịp hè để trải nghiệm, phát triển bản thân. Bố mẹ cần xây dựng thời gian biểu cho con, phù hợp giữa tập luyện, nghỉ ngơi và dành thời gian về quê thăm gia đình hay tham gia hoạt động thiện nghiện để con được trải nghiệm” ThS Phan Thị Cẩm Giang chia sẻ.