Những năm gần đây, khái niệm mùa hè của học sinh luôn bị vùi dập bởi toan tính, kỳ vọng của người lớn. Thay vì được tạo nhiều cơ hội để thụ hưởng kỳ nghỉ đầy ý nghĩa, vui chơi thỏa thích, học thêm kỹ năng sống bổ ích, nhiều học sinh phải tiếp tục “dùi mài kinh sử”, nhồi nhét kiến thức ở “học kỳ 3” này. Thủ phạm chính là ai?
Các em thiếu nhi trong lớp học lắp ráp robot của Nhà Thiếu nhi TP. Ảnh: MAI HẢI
Cha mẹ là thủ phạm?
Năm nay con trai 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1, chị Mai Trinh quyết định đăng ký cho con học chữ từ đầu tháng 6 ở nhà một cô giáo tiểu học. Mặc cho các chuyên gia giáo dục bậc tiểu học đã khuyên nhủ không nên cho các cháu học chữ trước, chị Mai Trinh và nhiều phụ huynh khác đều có chung nỗi lo cố hữu. Đó là “không học chữ trước thì làm sao con mình theo kịp các bạn”. Thế là, những cô, cậu bé tuổi còn ham chơi, chưa hiểu chuyện học hành là gì đã bị gò học chữ, tập làm quen với con số suốt mùa hè trước ngày khai giảng. Ở tuổi chỉ thích chơi những trò chơi hiếu động, bị cha mẹ thúc ép, đe nẹt “phải học chữ”, nhiều khuôn mặt thơ ngây, nước mắt lưng tròng, mếu máo: “Sao con phải tập viết nhiều chữ thế? Con chỉ thích chơi thôi!”. Đúng là mới chập chững vào đời, các bé đã bị tước đoạt tuổi thơ, không được phát triển tự nhiên và bị nắn theo cái khung ước vọng của cha mẹ.
Tương tự, nhiều phụ huynh có con học ở bậc tiểu học cũng có tâm lý sợ con cái nghỉ dài suốt 2 tháng hè sẽ rơi rụng kiến thức, khi vào học sẽ không theo kịp bạn bè. Ngay sau khi con tổng kết năm học, anh Thanh Chương, ở Q.12, TPHCM, đã đăng ký cho hai con, một học lớp 2 và một học lớp 4, học thêm 3 môn toán, văn, Anh văn tại nhà thầy cô. Theo anh Thanh Chương, con cái nghỉ ở nhà không ai trông nom, quản lý nên gửi đến nhà thầy cô học chữ cho an toàn. Còn đăng ký cho con học thêm các môn năng khiếu ở trung tâm văn hóa quận thì xa, không có thời gian đưa đón, lại thêm tốn tiền nhiều hơn.
Có thể nói tư duy lối mòn và khó thay đổi của anh Thanh Chương cũng đại diện cho nhiều bậc phụ huynh có con học tiểu học thời nay. Vì nhiều lý do bận rộn mưu sinh, không có điều kiện quản con cái lẫn thời gian nên họ chọn phương án cho con học thêm ở nhà thầy cô là an toàn, tiện lợi hơn. Một số phụ huynh khác có thời gian rảnh rỗi nhưng không có điều kiện kinh tế nên không thể bắt kịp “xu thế hiện đại” cho con trải nghiệm học các khóa học kỹ năng sống, đi dã ngoại, tham quan, du lịch về quê…
Với nhiều học sinh bậc THCS và THPT ở TPHCM, mùa hè chỉ thoáng qua khoảng 1-2 tuần, còn lại bắt đầu cuộc đua tăng tốc học thêm để chuẩn bị cho hành trình xa - vượt vũ môn vào lớp 10 và ứng thí với kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học ngày càng cạnh tranh gay gắt. Có mặt tại Trường THPT Ernst Thälmann, Q.1, TPHCM, vào những ngày đầu tháng 6, chúng tôi thấy các lớp học thêm đã khởi động và đông đảo học sinh lớp 11 đăng ký học hè tại đây. Như thế, vừa kết thúc năm học cũ, các em đã bắt tay ngay vào hành trình học thêm để chuẩn bị kiến thức “vượt vũ môn” ở năm cuối cấp, lớp 12. Em Lê Huy, học sinh lớp 11, cho biết: “Chúng em phải học thêm từ bây giờ để ôn luyện kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia quan trọng ở lớp 12…”. Và ở nhiều sân trường THPT khác, học sinh chưa kịp nếm trải mùa hè đã phải lao vào “học kỳ 3”, học thêm theo khối thi đã dự tính. Có bao nhiêu học sinh tự nguyện hoặc bị ép buộc từ bỏ mùa hè, đam mê vui chơi, giải trí để học thêm, vun đắp ước mơ vào đại học ngay sau lễ tổng kết năm học?
Dù không nói ra nhưng vì áp lực của cha mẹ muốn con cái đậu vào trường có thương hiệu, trường tốt và cuối cùng phải có tấm vé vào đại học, nhiều học sinh không muốn học thêm nhưng phải bước vào guồng quay này từ bậc tiểu học. Vì thế, kỳ nghỉ hè thần tiên với nhiều em không chỉ ngắn ngủi mà còn mất đi ý nghĩa. Phải chăng chính cha mẹ là thủ phạm tước đoạt quyền vui chơi giải trí của con cái vào dịp hè?
Hãy dành thời gian cho con
Bắt đầu từ năm học 2015-2016, Bộ GD-ĐT quy định thời gian nhập học từ ngày 1-8. Như thế, mùa hè đã rút ngắn từ 3 tháng xuống còn 2 tháng. Chính vì thế, nếu cha mẹ không có kế hoạch cho con nghỉ hè phù hợp thì học sinh ít có cơ hội được nghỉ ngơi, thư giãn đúng nghĩa. Gần đây, nhiều gia đình đã thay đổi tư duy, có nhận thức đúng nên không ép con học thêm vào mùa hè. Những người có điều kiện thì cho con tham gia các chương trình học hè, kỹ năng sống, trải nghiệm cuộc sống hoặc các khóa học năng khiếu, rèn luyện thể thao ở các nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao. Đưa con trai học lớp 4 đến học bơi ở Trung tâm Văn hóa quận 5, TPHCM, chị Hoàng chia sẻ: “Dù nhà trường có tổ chức học hè nhưng tôi kiên quyết cho cháu nghỉ xả hơi sau 9 tháng học hành căng thẳng. Ngoài cho cháu học những gì cháu thích, tôi còn cùng con đi bơi, đi dã ngoại cuối tuần. Tôi muốn để con phát triển tự nhiên, học làm người và mùa hè phải được nghỉ ngơi thư giãn đúng nghĩa”.
Tương tự, anh Trần Tấn, ở Q.Tân Bình, TPHCM, cũng muốn con gái học lớp 8 được nghỉ ngơi thoải mái và học thêm những gì con thích như đàn piano, vẽ… Anh chỉ khuyến khích con tự ôn kiến thức cũ, vợ chồng anh mua cho con nhiều sách hay để đọc trong những ngày nghỉ hè và cố gắng tách con khỏi máy tính, tivi.
Điểm qua nhiều sân trường ở TPHCM, rất hiếm nơi tổ chức các hoạt động hè có ý nghĩa, ngoài chương trình ôn tập, học hè. Để tạo sân chơi hè bổ ích cho học sinh, đáp ứng nhu cầu của các bé, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TPHCM, đã tổ chức nhiều chương trình phong phú, hấp dẫn như câu lạc bộ múa hát dân gian, mỹ thuật, kỹ năng sống… Theo quan điểm của ThS Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng nhà trường, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, nhà trường tạo sân chơi giải trí là các câu lạc bộ phát triển năng khiếu, sở trường, trang bị kỹ năng sống cho học sinh nhưng không nặng về dạy văn hóa. Tuy nhiên, những câu lạc bộ vừa học vừa chơi này chỉ hoạt động trong 6 tuần, từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7. Ngoài thời gian này, phụ huynh nên dành thời gian đưa con đến sinh hoạt ở những trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi địa phương hoặc đi tham quan dã ngoại nếu có điều kiện, để con được trải nghiệm, khám phá cuộc sống.
Theo các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, dù giàu hay nghèo, đừng bao giờ nói không có thời gian dành cho con cái vào mùa hè vì tuổi thần tiên của con cái rất cần được chăm lo, bồi đắp về tinh thần. Đừng tước đoạt quyền vui chơi giải trí của con cái chỉ vì những toan tính, áp đặt theo suy nghĩ, tham vọng của người lớn.
Khánh Bình