Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra khoảng 7.773 vụ sản xuất, kinh doanh buôn bán liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Qua đó đã chuyển cơ quan chức năng khởi tố 27 vụ với 41 đối tượng và tổng số tiền thu nộp ngân sách gần 1,37 tỷ đồng.
Nhìn chung, phần lớn hàng hóa vi phạm là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến, hàng thời trang… Sở dĩ hàng giả, hàng nhái chưa có dấu hiệu hạ nhiệt được lực lượng chức năng cho biết, do hoạt động nhập khẩu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được tổ chức chặt chẽ, bí mật, nhiều mắt xích, khép kín từ đối tượng cung ứng đến người tiêu dùng.
Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, chuyển phát nhanh… để gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép… Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, sẽ tiếp tục bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm để bảo đảm việc điều tra, xử lý kịp thời. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ tuyên truyền về cách thức nhận biết hàng giả, khuyến khích người dân tố giác tội phạm, đồng hành với cơ quan quản lý trong chống hàng giả.
Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất cần chủ động bảo vệ thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và loại bỏ tâm lý e ngại khi đấu tranh với hàng giả. Riêng với người tiêu dùng, cần tìm mua sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, hàng chính hãng, các tài khoản uy tín để tránh mua phải hàng giả.