Trên những con đường đất sỏi, việc đi lại của người dân xã Trà Nham vẫn rất khó khăn. Thế nhưng, giờ đây, thương lái các nơi đã chịu khó đánh xe lên tận xã để tìm mua một loại chè thanh mát, có từ rất lâu.
Ông Hồ Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Trà Nham, kể rằng vào những mùa lạnh nhiệt độ ở đây có thể xuống đến 80C và nhìn quanh chỉ thấy sương mù. Bà con Trà Nham quanh năm chỉ sống nhờ trâu bò và vài sào lúa, tỷ lệ hộ nghèo còn đến 69%, thu nhập bình quân đầu người chỉ 300.000-400.000 đồng/năm.
"Mấy năm nay, nhờ vận chuyển buôn bán qua lại giữa người miền xuôi và miền núi thì những cây chè lâu năm ở Trà Nham đã được thương lái biết đến, đánh xe lên tận xã tìm mua", ông Nhân nói.
Trên những ngọn núi như núi Cà Đam ở độ cao hơn 2.000m, núi Chất ở độ cao hơn 1.200m (so với mực nước biển) cùng với nhiều ngọn núi lân cận từ lâu đã thấy một loại chè vị thanh mát. Ngay gần thôn Trà Huynh (xã Trà Nham) vẫn còn nhiều cây chè cổ thụ. Cây chè cao nhất gần 4m.
Ông Hồ Xuân Hòa (ngụ xã Trà Nham) cho biết: "Không ai biết chè có từ khi nào, chỉ biết khắp rừng núi đều có chè. Cứ sáng sớm, người dân lại rủ nhau lên rừng hái lá chè. Bình quân thu nhập mỗi người 100.000-200.000 đồng/ngày”.
Hiện tại, lá chè tại xã Trà Nham được thu mua với mức giá 20.000 đồng/bó chè, mỗi ngày có hơn 1 tấn chè được xuất đi từ Trà Nham.
Nơi đây, cũng trở thành địa phương duy nhất của huyện Tây Trà phát triển loại cây chè này.
Chủ tịch xã Hồ Văn Nhân cho biết, nhiều năm trước cây chè ở Trà Nham gần như bị bỏ hoang tự nhiên, vì không có giá. Trong 3 năm nay, chính quyền cùng người dân đã nỗ lực khôi phục chè với diện tích 7ha nằm trong quy hoạch.
"Xã Trà Nham hỗ trợ người dân nhân giống chè, phân bón, kỹ thuật trồng… Do đó, các vùng đất kém hiệu quả cũng chuyển sang trồng chè, còn lại các vùng chè trên núi vẫn được giữ khai thác tự nhiên. Cây chè vùng Trà Nham đã trở thành cây thoát nghèo của người dân", ông Nhân chia sẻ.