Đến chiều 14-7, tại TPHCM cũng có mưa kèm cơn dông trên diện rộng (chỉ trừ khu vực huyện Cần Giờ chưa mưa).
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia), mưa đã xuất hiện trên bình diện rộng, từ khu vực đồng bằng và ven biển Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ đến Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Một số trạm đo đã ghi nhận lưu lượng mưa ngày 14-7 như: Uông Bí (Quảng Ninh) 64mm, Minh Hòa (Thái Bình) 87mm, Tiền Phong (Hải Dương) 63mm, Quang Trung (Nam Định) 51mm…
Nhờ mưa nên nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung không còn. Nhiệt độ tại TPHCM và Nam bộ cũng rất dễ chịu (4-5 ngày gần đây, nhiệt độ cao nhất cũng chỉ 31-32 độ C).
Các chuyên gia khí tượng cho rằng, nguyên nhân mưa ở cả 3 miền là do tác động của dải hội tụ nhiệt đới và tiền áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Từ nay đến ngày 17-7, cường độ mưa gió có thể còn tăng cao hơn.
Cụ thể, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, từ tối 14-7 đến đêm 15-7, đồng bằng và ven biển Bắc bộ sẽ có mưa 30-70mm, cục bộ có nơi trên 100mm; khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ mưa 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm; Tây Nguyên và Nam bộ mưa 40-90mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Ngoài ra, từ tối và đêm nay 14-7 đến ngày 18-7 ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc bộ, Nam Trung bộ cũng có mưa rào nhưng cường độ sẽ giảm hơn các khu vực khác.
Đến ngày 16 và 17-7, mưa có thể tăng lưu lượng ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ. Có nơi sẽ mưa rất to.
Mưa rải đều trên cả nước sẽ đưa đến những ngày thời tiết mát mẻ và dễ chịu. Nhưng mưa cục bộ với lưu lượng lớn có thể gây ra ngập lụt, sạt lở rất nguy hiểm nên người dân cần theo dõi sát trong những ngày tới.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, tình trạng mưa lớn ở khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ có khả năng giảm dần từ ngày 18-7; còn riêng Bắc bộ có khả năng mưa kéo dài đến hết ngày 18-7.
Về áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, cập nhật đến chiều 14-7, tâm áp thấp nhiệt đới đã di chuyển đến tọa độ khoảng 15 độ Vĩ Bắc - 111,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa, mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Các chuyên gia khí tượng cho rằng, áp thấp nhiệt đới này khó có xu hướng mạnh lên thành bão, hiện đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ. Khoảng chiều mai 15-7, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, sau đó có thể đi vào đất liền ở Trung Trung bộ, gây ra mưa lớn diện rộng.