Từ ngày 3 đến ngày 12-5, dự kiến sẽ có 100.000 du khách đến Malmö - thành phố cảng Thụy Điển có 360.000 cư dân này. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, cảnh sát Thụy Điển sẽ được tiếp viện từ Đan Mạch và Na Uy. Cảnh sát trưởng Malmö Petra Stenkula thừa nhận: “Mức độ đe dọa rất cao”, với việc cảnh sát được trang bị những vũ khí chưa từng thấy ở Malmö, thậm chí ở Thụy Điển.
Tháng 8 năm ngoái, Thụy Điển đã nâng mức cảnh báo khủng bố lên mức 4/5, sau khi một số nhóm Hồi giáo kêu gọi tấn công để đáp trả việc xúc phạm kinh Koran.
Theo Le Monde, sau chiến thắng của Loreen tại Liverpool năm ngoái, một số thành phố của Thụy Điển là ứng cử viên đăng cai tổ chức Eurovision năm 2024. Quyết định tổ chức cuộc thi ở Malmö được tập đoàn nghe nhìn Sveriges Television công bố vào tháng 7-2023. Nằm ở phía Nam đất nước, ngay đối diện Copenhagen, cách sân bay quốc tế Kastrup nửa giờ đi tàu, Malmö có nhiều lợi thế, nhất là từng tổ chức thành công Eurovision 2013.
Nhưng bối cảnh năm nay hoàn toàn khác, với các tranh luận nảy lửa quanh việc tham gia của Israel, vốn là đối tượng bị kiện về hành vi diệt chủng ở Gaza trước Tòa án Công lý quốc tế. Hồi đầu năm, hàng ngàn nghệ sĩ Bắc Âu đã ký thư thỉnh nguyện yêu cầu loại Israel (và cả Nga).
Kể từ đó, phong trào huy động đã lan rộng, đặc biệt là ở Anh. 450 nghệ sĩ và tổ chức đã kêu gọi ca sĩ người Anh, Olly Alexander, tẩy chay sự kiện trên. Cuối tháng 3, ca sĩ này đã đồng ký vào một lá thư với các ứng cử viên từ 7 quốc gia khác, kêu gọi “một lệnh ngừng bắn lâu dài ngay lập tức và trao trả an toàn cho tất cả các con tin”. Cùng với đó là một số nghệ sĩ tuyên bố rút lui để thể hiện tình đoàn kết với Palestine.
Một số hiệp hội đã tập hợp lại thành một nhóm rộng hơn, đặt tên là “Ngăn chặn Israel - Vì hòa bình và tự do ở Palestine”. Mới đây, nhóm này đã tổ chức biểu tình trước tòa thị chính Malmö, yêu cầu Eurovision không cho Israel tham gia. Nhóm dự định sẽ duy trì áp lực bằng cách tiếp tục tổ chức hai cuộc biểu tình vào ngày 9 và 11-5.
Nữ ca sĩ trẻ Eden Golan dự định đại diện nhà nước Do Thái thể hiện bài hát có tiêu đề đề cập đến vụ Hamas bất ngờ tấn công Israel vào ngày 7-10-2023. Tuy nhiên, Liên minh Phát thanh Truyền hình châu Âu đã hai lần từ chối và đánh giá nó "quá chính trị", trước khi bài hát được chấp nhận phiên bản hiện tại, có tựa đề Hurricane.
Trong khi đó, đại diện cộng đồng Do Thái ở Malmö cũng có kế hoạch biểu tình vào các ngày 7, 9 và 11-5 để ủng hộ việc Israel tham gia Eurovision. Ông Patrick Enhav, giám đốc một trường học và là một trong những người tổ chức sự kiện, cho biết: “Chúng tôi muốn đây là một bữa tiệc dành cho tất cả mọi người, nhưng thật không may, sự kiện này đã bị chính trị hóa”.
Tình hình càng trở nên nhạy cảm hơn khi khoảng 1/3 dân số Malmö sinh ra ở nước ngoài, trong đó có hàng chục ngàn người ở Trung Đông. Mười năm qua, chính quyền thành phố, do Đảng Dân chủ xã hội lãnh đạo, đã coi cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái là một trong những ưu tiên của mình. Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Kể từ ngày 7-10 năm ngoái, hầu như cuối tuần nào cũng diễn ra biểu tình.
Frederik Sieradzki, người phát ngôn của cộng đồng Do Thái, vẫn tin vào việc nối lại đối thoại giữa người Do Thái và người Hồi giáo ở Malmö, hy vọng Eurovision có thể diễn ra suôn sẻ.