Niềm vui đến với bà con đồng bào
Em Lường Thị Doanh là 1 trong 60 học sinh nghèo hiếu học tại xã Mường Lói được nhận phần hỗ trợ 500.000 đồng/em cùng quà bánh và chiếc áo ấm. Phần chăm lo này do đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo, báo chí TPHCM gửi tặng trong hành trình “Qua miền Tây Bắc”. Nhà em cách trường học hơn 8km, do đó chỉ đến cuối tuần em mới đi bộ về nhà. “Con đi bộ gần 3 tiếng thì về đến nhà. Có mệt nhưng con không nản. Vì đến trường con được học con chữ ạ”, Doanh chia sẻ.
Ngồi gần em Doanh là em Lường Thị Tâm, người đồng bào dân tộc Khơ Mú, nhà cách trường hơn 40km. Vì nhà xa, Tâm được gửi học trường bán trú, vài tháng mới về nhà 1 lần. Nhận được chiếc áo ấm, em mặc vào ngay. Trong ánh mắt Tâm hiện rõ niềm vui với món quà vừa nhận được. “Em thích lắm”, Tâm bày tỏ trong rụt rè.
Theo cô Lường Thị Minh Thúy, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Lói, đa phần các em học sinh tại trường có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa nên các em phải ở lại trường, nhiều em mỗi năm chỉ về nhà vài lần. Vào cuối tuần, giáo viên thay phiên nhau ở lại trường để giúp các em nấu ăn, hướng dẫn các em kỹ năng sống. Cô Minh Thúy cho biết, những phần quà chăm lo này rất thiết thực và ý nghĩa với các em, nhất là khi mùa đông đang đến.
Cô Lường Thị Lan, Tổng phụ trách Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Mường Lói, thông tin, trường hiện có 309 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Khơ Mú, Lào, Mông. Phần lớn học sinh đều ở xa, chủ yếu là các thôn bản, có em nhà xa đến 40km. Mọi sinh hoạt, từ ăn, ngủ, nghỉ của các em đều ở trường. Có em 1 năm chỉ được ba mẹ đến đón, thăm vài lần.
Ngoài 60 học sinh khó khăn được nhận quà, đoàn cũng trao tặng đến 10 hộ nghèo và gia đình chính sách, có công 1 triệu đồng/hộ; 10 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Xúc động khi nhận phần chăm lo, bà Cút Thị Sơi cho biết đây là số tiền rất lớn với gia đình bà. Bà dự tính sẽ dùng số tiền này mua 1 con trâu, còn dư ít tiền thì tính chuyện làm ăn. Còn với anh Lường Văn Tâm, anh sẽ dùng một phần số tiền được tặng để sửa lại mái nhà đang dột, phần còn lại sẽ mua ít con gà, vịt để nuôi. “Nhà dột lâu nay nhưng tôi chưa có tiền làm lại. Nay thì vui rồi. Tết đến, nhà không lo dột nữa”, anh Tâm nói trong niềm vui.
Món quà chân tình gửi đến vùng cao Tây Bắc
Để đến được với bà con và các em học sinh xã Mường Lói, đoàn công tác phải vượt qua cung đường đồi núi quanh co gần 80km. Xúc động khi nhìn thấy bà con và các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số phấn khởi nhận phần chăm lo nghĩa tình từ đoàn công tác, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong bày tỏ, những phần quà và nguồn vốn tuy không lớn nhưng là tình cảm, tấm lòng của đội ngũ cán bộ tuyên giáo, đội ngũ những người làm báo tại TPHCM muốn chia sẻ phần nào khó khăn đến bà con, các cháu học sinh và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc đang công tác nơi biên cương của Tổ quốc.
Ngoài trao tặng quà đến học sinh nghèo hiếu học, trao hỗ trợ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, đoàn cũng tặng Đồn biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc 20 triệu đồng và 300 lá cờ Tổ quốc. Tổng số tiền hỗ trợ và quà tặng hơn 160 triệu đồng. Riêng những chiếc áo ấm được trao tặng đến các em học sinh là quà từ chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” của Báo SGGP gửi tặng học sinh nơi rẻo cao xã Mường Lói.
Chủ tịch UBND xã Mường Lói Lường Văn Biên thông tin, Mường Lói là xã biên giới vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, nằm cách trung tâm TP Điện Biên Phủ hơn 80km. Xã quản lý đường biên giới với tổng chiều dài hơn 5,43km tiếp giáp với nước bạn Lào. Địa bàn xã có 8 bản, 484 hộ với hơn 2.500 nhân khẩu, có 4 dân tộc cùng sinh sống, gồm: Khơ Mú, Lào, Mông và Kinh. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 99% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã còn cao, chiếm hơn 62,61%.
Hiện chỉ có 2/8 thôn bản của xã được sử dụng điện lưới quốc gia và phủ sóng điện thoại, 5/8 bản vùng cao xa trung tâm, giao thông thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa. Do đó, theo ông Lường Văn Biên, sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ của đoàn công tác sẽ góp phần chia sẻ những khó khăn với người nghèo và tạo thêm điều kiện để bà con cải thiện cuộc sống, có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Riêng phần chăm lo đến các em học sinh khó khăn sẽ giúp các em thêm điều kiện để đầu tư cho việc học tập, nỗ lực phấn đấu để không bỏ học giữa chừng.
Từ ngày 12 đến ngày 16-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức chuyến về nguồn “Qua miền Tây Bắc” cho các cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản TPHCM. Chuyến hành trình đi qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ.