Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của con người khi tham gia lưu thông còn kém. Để hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc, đau lòng xảy ra, giải pháp cấp bách chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Chỉ khi nào nhận thức của con người được nâng cao thì suy nghĩ và hành động của họ mới được thay đổi.
Hiệu quả của việc tuyên truyền đội mũ bảo hiểm là một thành công lớn trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức. Để làm được điều này, chúng ta phải thật sự kiên trì theo kiểu “Mưa dầm thấm lâu”.
Có thể thấy rằng, dù công tác tuyên truyền được chú trọng, kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, trong công tác này vẫn còn một số hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn người tham gia giao thông mới chủ yếu thực hiện ở bề nổi, từng lúc, từng nơi, chưa tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia giao thông có nguy cơ vi phạm cao. Sự quan tâm, đầu tư về kinh phí, trang thiết bị và con người cho công tác này còn hạn chế.
Nội dung tuyên truyền vẫn nặng về lý thuyết, thiếu việc huấn luyện những kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cách xử lý tình huống thực tế khi có sự cố, va chạm và tai nạn xảy ra; chưa tạo ra được môi trường thực hành, tạo điều kiện để các đối tượng được tuyên truyền chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về trật tự ATGT còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một hành vi vi phạm. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn trong quá trình xử lý vi phạm giữa lực lượng CSGT với người dân.
Để tình trạng này không tiếp tục xảy ra, công tác tuyên truyền cần phải sâu sát hơn, cụ thể hơn. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về công tác đảm bảo trật tự ATGT, coi đây như là nhiệm vụ quan trọng.
Thông qua công tác này, hy vọng sẽ nâng cao nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông, qua đó góp phần xây dựng, tạo lập môi trường giao thông an toàn, thân thiện, để tai nạn giao thông không còn là nỗi đau của mọi người, mọi nhà và của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần vận động, hướng dẫn người dân thực hiện những hành động thiết thực để bảo đảm an toàn giao thông, như đã uống rượu, bia - không lái xe; không phóng nhanh vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe điện; mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi khi đi trên phương tiện thủy. Bên cạnh đó, tuyên truyền, phản ánh đầy đủ, khách quan, kịp thời các hoạt động và kết quả bảo đảm trật tự ATGT của các lực lượng chức năng, các đoàn thể chính trị, xã hội.
Phổ biến, tuyên truyền giúp người dân hiểu các quy định và cách thức ứng xử văn minh, đúng pháp luật trong quá trình tiếp xúc với lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ.
Động viên, cổ vũ, khuyến khích những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến gắn với việc phê bình, lên án những hành vi vi phạm quy định trong tham gia giao thông, cũng như trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT.