Mưa dầm dề từ sáng đến chiều, Hà Nội ngập nặng

Mặc dù đã chủ động tiêu thoát nước đệm để chờ đón bão số 2 nhưng do mưa dai dẳng cả ngày không ngớt nên đến chiều 23-7, một số điểm ở Hà Nội đã ngập úng nặng.

IMG_0818.jpeg
Đến chiều 23-7, nhiều nơi ở Hà Nội đã ngập úng nước mưa. Ảnh do người dân chia sẻ

Cập nhật đến 18 giờ tối 23-7 từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, bão số 2 và mưa gió ở miền Bắc và Bắc Trung bộ không gây ra thiệt hại gì về người. Tuy nhiên, mưa gió kéo dài cả ngày trên diện rộng đã gây sạt lở với hàng trăm điểm, làm ngập hàng chục ngàn ha lúa và hoa màu… tại các tỉnh: Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa và Nghệ An.

IMG_0821.jpeg
Khu biệt thự liền kề đường Lê Trọng Tấn (An Khánh - Hoài Đức - Hà Nội) đã thành sông. Ảnh: VĂN THÀNH

Cụ thể có 16 ngôi nhà tại Thanh Hóa và Nghệ An bị ảnh hưởng cùng 25.556ha lúa, 2.544ha hoa màu bị ngập úng (nhiều nhất là tại tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình…), gần 900 con gia cầm, gia súc chết trôi.

IMG_0813.jpeg
Nước lũ lên do mưa bão ở huyện Sơn Động (Bắc Giang), cơ quan chức năng phải đặt biển cảnh báo người và phương tiện qua sông. Ảnh: BÁO BẮC GIANG

Cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai cho biết, hoàn lưu sau bão số 2 đã tạo ra một đợt mưa rất lớn. Số liệu thu thập đến chiều tối 23-7 tại một số trạm đo mưa như sau: Km46 Quốc lộ 6 (Sơn La) 239mm, Bao La (Hòa Bình) 158mm, TP Bắc Giang (Bắc Giang) 105mm, Thường Tín (Hà Nội) 148mm, Trung Thành (Thanh Hóa) 131mm…

IMG_0815.jpeg
Ngập úng tại ngã ba Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) chiều 23-7
IMG_0817.jpeg
Người dân và xe cộ di chuyển khó khăn trong mưa gió và úng ngập ở phường Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội)

Đến 18 giờ tối 23-7, Hà Nội vẫn không ngớt mưa khiến một số khu vực lâu nay vẫn được coi là “rốn ngập” ở Hà Nội bị ngập, như đại lộ Thăng Long, làng Triều Khúc…

IMG_0814.jpeg
Đại lộ Thăng Long đã chìm trong nước khiến nhiều ô tô dò dẫm qua chỗ ngập

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra sụt trượt một lượng đất lớn xuống Quốc lộ 6 gây ách tắc giao thông tại Km151+200 thuộc xã Pà Cò, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình). Tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) cũng xảy ra sạt lở 2 vị trí Km156 và Km160+620 khiến giao thông trên Quốc lộ 6 tê liệt. Tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, đến chiều 23-7, trên địa bàn tỉnh Sơn La còn có nhiều điểm sạt lở lớn nhỏ khác.

IMG_0820.jpeg
Sạt lở tại khu vực Lóng Luông (Vân Hồ - Sơn La) ngày 23-7, đất đá, cây cối trùm xuống mặt Quốc lộ 6, tắc đường về Hà Nội
IMG_0819.jpeg
Nước mưa bao vây Trường Mầm non và tiểu học Bản Khoa (Bắc Yên - Sơn La). Ảnh: THÚY HÀ

Ngày 23-7, Sở GTVT tỉnh Lào Cai cho biết, tại Km127+700, Quốc lộ 4D, đoạn qua xã Cốc San, TP Lào Cai đã xảy ra vụ sạt lở lớn, chia cắt hoàn toàn giao thông giữa thị xã Sa Pa và TP Lào Cai. Vụ sạt lở xảy ra từ tối 22-7 do mưa lớn, với khối lượng hơn 1.500m3 đất, đá tràn xuống từ ta-luy dương.

Sau khi xảy ra sạt lở, Công ty cổ phần Đường bộ Lào Cai đã triển khai nhân lực và phương tiện đến hiện trường khắc phục. Sau hơn 10 giờ xử lý, đến 15 giờ 30 ngày 23-8, điểm sạt lở này đã được xử lý sơ bộ để thông xe tạm thời trên Quốc lộ 4D.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, có hơn 300 điểm sạt lở với tổng khối lượng lên tới hơn 10.000m3 đất, đá, bê tông (hiện tại các điểm sạt lở đã được xử lý và thông xe tạm thời).

Về tàu thuyền, chỉ có 1 tàu xi măng cỡ nhỏ và 1 xuồng cao tốc nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) như đã báo cáo và thông tin từ sáng 23-7. Tính đến chiều 23-7, các tàu cá và ngư dân an toàn.

Tin cùng chuyên mục