Đá phủ trắng đường
Thông tin từ Đài khí tượng - thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, khoảng 1 giờ 30 phút ngày 5-2, trên khu du lịch cáp treo Sunworld Fansipan Legend, đỉnh Fansipan (Sa Pa - Lào Cai) đã xuất hiện một trận mưa đá dữ dội, kéo dài khoảng 10 phút. Đường kính trung bình của hạt đá khoảng 1,5-2cm, những hạt lớn lên tới 2,5-3cm. Sau khi mưa đá chấm dứt để lại một lớp đá dày phủ trắng đường đi, vườn trồng hoa cảnh, sườn núi thuộc khu vực đỉnh Fansipan. Không chỉ khu vực Sa Pa, nhiều địa phương khác của tỉnh Lào Cai như Văn Bàn, Bát Xát… cũng có mưa dông rất lớn.
Mưa đá phủ thành lớp trắng tràn vào sân nhà dân tối 4-2 ở TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) |
Còn theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, trước đó, tối 4-2, trên địa bàn TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cũng xảy ra một cơn dông lớn kèm trận mưa đá kéo dài khoảng 20 phút trên diện rộng. Sau cơn mưa, đá phủ trắng đường giao thông, vườn tược của bà con, thậm chí tràn vào cả nhà dân… Một số tuyến đường ở trung tâm TP Điện Biên Phủ bị ngập; nhiều tấm pano, biển hiệu quảng cáo bị gió cuốn bay, mái nhà bị thủng do nằm trong tâm cơn lốc và mưa đá.
Theo các chuyên gia khí tượng, hiện đang là thời điểm giao mùa (chuyển từ đông sang xuân) ở miền Bắc nên các hiện tượng thời tiết cực đoan (dông lốc, mưa đá) rất dễ xảy ra, cường độ mạnh dần. Bên cạnh tác hại, những trận mưa ngày 4 và 5-2 ở Tây Bắc của Bắc bộ cũng được đánh giá là “mưa vàng mưa bạc” để chấm dứt đợt hanh khô kéo dài hơn 2-3 tháng qua, giúp các hồ thủy điện, hồ thủy lợi tích thêm lượng nước cho thời gian tới.
Thời tiết chuyển mùa khiến nhiều người nhập viện
Theo ghi nhận của phóng viên, sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão, trong tuần đầu đi làm trở lại, số bệnh nhân tới khám, điều trị tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội tăng cao, chủ yếu là các bệnh liên quan tới rối loạn chuyển hóa như: tiểu đường, mỡ máu, gút, tiêu hóa, gan mật. Bác sĩ Phí Hải Anh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết, những ngày gần đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân tới khám, chủ yếu là các bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, gút, tiêu hóa, gan mật do nghỉ tết dẫn tới sự xáo trộn về thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi hàng ngày của nhiều người gây ra nhiều mối nguy hại cho sức khỏe.
Cùng với đó, thời tiết sau kỳ nghỉ tết năm nay cũng có thay đổi thất thường, từ rét đậm, rét hại, chuyển sang trời nồm ẩm khiến người già, trẻ nhỏ và người có sẵn bệnh nền khó thích nghi, dễ mắc các bệnh cấp tính về đường hô hấp như: cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi. Đặc biệt, người cao tuổi rất dễ bị bị đột quỵ do ảnh hưởng bởi nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bệnh nhân đến khám và điều trị tăng khoảng 30% so với trước. Bác sĩ Phan Việt Sinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, nguyên nhân là do những ngày tết, sự theo dõi, chăm sóc người bệnh cao tuổi của gia đình và của chính người bệnh cũng bị lơ là, không thường xuyên và chặt chẽ như ngày thường. Người bệnh cao tuổi tham gia nhiều hoạt động vui vẻ cùng con cháu, nghỉ ngơi, ăn uống không điều độ dẫn tới bệnh mãn tính dễ trở nặng đột ngột. Đặc biệt, thời tiết thất thường, nhiều đợt lạnh sâu khiến người già có bệnh nền khó thích nghi, dễ mắc các bệnh cấp tính về đường hô hấp, đặc biệt là những người có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì dễ viêm phổi nặng, nguy kịch.
Thời tiết đang chuyển mùa từ mùa đông sang xuân là mùa phấn hoa phát tán, nấm mốc phát triển, các vi sinh vật gây bệnh tăng số lượng do thời tiết nồm ẩm gây ra rất nhiều bệnh đường hô hấp. PGS-TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo, để phòng bệnh đường hô hấp, người dân cần đảm bảo khẩu trang che mũi, miệng và cằm khi đi ra nơi công cộng, tiếp xúc đông người; thường xuyên rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn có cồn hoặc bằng xà phòng và nước; rửa tay sau khi trở về từ nơi công cộng, trước và sau khi ăn uống…