
Bài 1: Đám cưới truyền thống... lùi xa
Một cô bé 17 tuổi đi thi IELTS, trong phần thi nói đã bắt trúng câu thuyết trình về đám cưới truyền thống của đất nước bạn. Sau buổi thi, cô bé nói: “Em tức quá, câu này đáng ra có rất nhiều cái để nói rất dễ ăn điểm nhưng quả thực em chẳng biết gì về đám cưới truyền thống của mình. Em chỉ biết quanh đi, quẩn lại rằng trong tiệc cưới cô dâu, chú rể Việt Nam mặc trang phục truyền thống là áo dài, khăn đóng, đón khách, làm lễ, đãi tiệc, chụp hình… thế thôi”. Không thể trách cô bé không biết, bởi ngày nay đám cưới theo đúng phong tục đã dần mai một. May ra, hình ảnh đó chỉ còn sót lại ở các làng quê Việt Nam…
Nét đẹp trong đám cưới cổ truyền

Trầu cau - lễ vật truyền thống trong đám cưới. Ảnh: B.TH.
Theo những tư liệu về văn hóa truyền thống của người Việt thì một đám cưới Việt Nam rất bài bản, bao gồm nhiều thủ tục như: lễ xin dâu; lễ rước dâu; tiệc cưới; lại mặt (trước đám cưới còn có đám dạm ngõ; đám hỏi).
Biểu trưng cưới hỏi ở Việt Nam là hình ảnh đôi chim bồ câu, quả cau lá trầu, song thường gặp nhất vẫn là chữ “song hỷ”. Chữ này xuất xứ từ phong tục cưới hỏi của Trung Quốc thể hiện hai niềm vui lớn: đại đăng khoa (thi đỗ làm quan) và tiểu đăng khoa (cưới vợ). Tuy nhiên, “song hỷ” ngày nay là biểu thị của niềm vui chung giữa hai họ.
Theo đám cưới cổ truyền, hai họ và cô dâu chú rể đều mặc khăn đóng áo dài, nhưng cô dâu, chú rể mặc áo dài, khăn đóng nổi bật để phân biệt. Đám trẻ nhỏ được giao nhiệm vụ giăng dây tơ hồng trước đoàn rước dâu, bà mẹ chồng ném muối trắng ra ngõ để đón nàng dâu, với ý nghĩa “muối ba năm muối đang còn mặn”, mẹ cô dâu cài cây kim băng lên mái tóc cô dâu, một người già phúc hậu, đông con, nhiều cháu sẽ trải chiếu trên chiếc giường cưới để mang lại điều may mắn cho đôi vợ chồng trẻ sớm có con trai, con gái và sống với nhau hạnh phúc tới lúc “đầu bạc - răng long”. Khách mời đám cưới thường đem tặng tiền hoặc quà.
Hôn lễ chính cử hành tại gia đình. Vì là lễ nên điều kiện tiên quyết là trang nghiêm. Vị trí lễ (khu vực thờ tổ tiên), trang trí tùy theo gia đình, phải có đủ “hương đăng hoa quả”. Họ hàng đàng trai đến, có người làm mai đi đầu. Phẩm vật đưa đến, ngoài trái cây, bánh kẹo, phải có trầu cau đó là văn hóa, tâm linh của dân tộc Việt (Sự tích trầu cau) và còn phải có cặp đèn (nến) thật to, trùng với kích thước của đôi chân đèn trên bàn thờ. Đại diện nhà trai kính cẩn mời nhà gái uống trà, rượu và ăn trầu.
Hai bên bàn bạc với nhau, tặng nữ trang, tiền mặt… Người trưởng tộc của nhà gái tuyên bố: “Xin làm lễ lên đèn”. Lên đèn là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất, bắt buộc phải có. Hai ngọn nến to, do nhà trai đem đến được đặt trên bàn thờ ông bà. Người trưởng tộc khui rượu (trong số 2 chai do nhà trai đem đến) trước bàn thờ, cô dâu và chú rể đứng hai bên. Hai ngọn đèn được đốt lên, từ ngọn lửa của đèn dầu nhỏ trên bàn thờ (hiểu là lửa hương hỏa). Khi lửa cháy đều ngọn sẽ được cắm vào chân đèn. Ngọn đèn phải cháy thong dong, đều đặn, nếu bên cao bên thấp thì sẽ có dư luận chàng rể sợ vợ, cô dâu lấn hiếp chồng. Đề phòng nến tắt, nhiều người đóng cửa sổ, tắt quạt…
Cách tân song vẫn giữ nét truyền thống
Bây giờ rất khó tìm thấy một đám cưới đúng thuần phong mỹ tục của làng quê Việt. Nhiều thủ tục trong đám cưới cổ truyền đã được giản lược. Có nhiều gia đình không tổ chức đám dạm ngõ (nhà trai đến xin phép nhà gái cho đôi trẻ gặp gỡ, tìm hiểu nhau). Đám hỏi thay vì cách đám cưới cả tháng hay cả tuần thì nay nhập lại làm một trong buổi cử hành hôn lễ tổ chức tại gia.
Nhà trai mang trầu cau qua hỏi nhà gái, sau đó rước dâu về nhà trai làm lễ gia tiên (thường vào buổi sáng). Và cuối cùng, hôn lễ được tổ chức vào buổi trưa, hoặc tối tại nhà hàng. Nhiều hủ tục đã bỏ như tảo hôn, đa thê, thách cưới, đám cưới kéo dài nhiều ngày…, nhường chỗ cho cách thức tổ chức mới vừa mang tính dân tộc nhưng vẫn văn minh.
Theo luật định, sau khi đăng ký kết hôn, trước pháp luật đôi trai gái đã là vợ chồng và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, trong tâm thức, văn hóa dân tộc, lễ cưới chính là thời điểm để họ hàng, bạn bè, mọi người chính thức công nhận đôi trai gái là vợ chồng. Cũng vì vậy, tại lễ cưới nhiều vấn đề xã hội diễn ra, mọi khen chê của dư luận tập trung vào.
Tổ chức một đám cưới theo nghi thức cổ truyền, người khen thì cho rằng thế mới là đám cưới Việt Nam, thế mới không du nhập văn hóa bên ngoài, nhưng người chê nói: rườm rà, lãng phí và lạc hậu. Điều này chỉ để khẳng định đúc kết của ông bà ta từ xưa “Ma chê cưới trách”, điều không tránh khỏi. Đám cưới ngày nay, dù trong tiệc cưới, cô dâu, chú rể có mặc trang phục mới theo kiểu Tây phương (cô dâu mặc soire, chú rể mặc veston), nhưng trong lễ ăn hỏi, hôn lễ tổ chức tại gia, hình ảnh thường thấy vẫn là cô dâu, chú rể mặc áo dài, khăn đóng, những nghi thức gia tiên vẫn được giữ.
Trầu cau, bánh phu thê, mâm ngũ quả, lễ lên đèn… là những vật phẩm, nghi thức chính thể hiện văn hóa truyền thống, yếu tố tâm linh trong đời sống người Việt. Chính những đặc tính này đã khiến cho văn hóa đám cưới của Việt Nam giữ được nét đặc biệt, độc đáo mà không một quốc gia nào có được. Nhiều người nước ngoài lấy vợ (chồng) Việt Nam đều tỏ ra thích thú khi được tổ chức một nghi thức cưới truyền thống của người Việt. Điều này thể hiện giá trị tinh thần của đám cưới truyền thống Việt Nam.
Bài 2: Những gam màu chưa đẹp
Cuối năm, mùa cưới lại về. Một cô bạn than thở: “Chủ nhật 28-12 này có tới 6 thiệp mời, đám nào cũng không thể không đi, không biết chạy show sao đây?”. Ngày “đẹp” cố định, thế nên các đám cưới thường trùng nhau. Chạy show đám cưới chỉ là một, chuyện vui đám cưới thì tới mười…
Giờ dây thun...
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”. Chuyện “giờ dây thun” giờ đây đã trở thành thông lệ của đám cưới ở Sài Gòn. Không cần nói ra nhưng ai cũng biết, nếu được mời đám cưới cứ trừ hao 2 tiếng đồng hồ theo giờ được mời. Cách đây vài năm, chưa nắm rõ quy luật “trừ hao” đó, không ít đám cưới bị mắng vốn. Để rút kinh nghiệm, giờ đây trong hầu hết các thiệp cưới, bên dưới góc thiệp đều ghi rõ thời gian đón khách và thời gian khai tiệc.

Hầu hết các đám cưới được tổ chức vào buổi tối, tuy nhiên, cũng có một số đám tổ chức buổi trưa. Nếu giờ cưới buổi tối trễ gây mệt mỏi một, thì giờ cưới trưa trễ gây mệt mỏi tới mười. Một người bạn sau lần đi đám cưới buổi trưa, kể: “Mình bị một phen hoa mắt vì đói. Đó là đám cưới của chị họ mình làm công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần.
Thiệp mời ghi khai tiệc 11 giờ 30, thế nhưng họ cho khách đợi đến đúng 1 giờ 30 mới bắt đầu. Giờ trưa nóng khủng khiếp, đã thế lại còn bị đói. Đúng là không thể không chửi thầm trong bụng…”.
Mới đây tại đám cưới một người bạn làm nhân viên ngân hàng, cũng tổ chức buổi trưa, tại Trung tâm Hội nghị White Palace, giờ đón khách từ 11 đến 12 giờ. Tuy nhiên vì khách hơi vắng nên cô dâu, chú rể… ráng chờ. Đến 13 giờ 30, cô dâu, chú rể mới từ từ tiến vào… trong sự mệt mỏi của quan khách.
Thật xui cho những người coi trọng việc đúng giờ khi đi dự đám cưới. Câu chuyện của những cán bộ quân đội khiến không ít người vừa buồn cười vừa ngậm ngùi. Đó là đám cưới con gái một sĩ quan quân đội cao cấp. Nhân dịp có một số đồng chí ở miền Bắc vô miền Nam dự họp, bố cô dâu liền mời tới dự đám cưới. Đúng giờ ghi trên thiệp là 17 giờ, một “bộ sậu” gồm có 2 vị tướng, 4 sĩ quan được xe đưa tới tận tiệc cưới.
Theo thói quen đúng giờ của quân đội và chưa từng biết đến thông lệ của đám cưới Sài Gòn nên dù đã nghe cậu lái xe cảnh báo về việc nên “trừ hao”, các vị khách quân đội vẫn đúng giờ có mặt (vì tin rằng cha cô dâu cũng trong quân đội nên sẽ không thể trễ giờ). Kết quả sau 2 tiếng đồng hồ ngồi đợi và gần 30 phút nghi thức diễn ra, cả đoàn cáo biệt cô dâu, chú rể, quay về dự một cuộc họp lúc 20 giờ. Tại buổi họp đó, mọi người đã chứng kiến chỉ huy mình vừa họp vừa tranh thủ ăn vì đói.
Điều đáng nói là việc trễ giờ trong đám cưới đã trở nên bình thường hóa! Bình thường đến nỗi, ai cũng biết đi đám cưới không bao giờ nên đi đúng giờ. Bình thường đến nỗi, ai đi đúng giờ ghi trong thiệp sẽ trở thành… không bình thường!
MC và những phát ngôn... choáng!
Hẳn bất cứ ai đi dự đám cưới đều đã ít nhiều chứng kiến những “màn trình diễn” của MC. Một công thức giới thiệu quen thuộc đó là: “Qua quá trình quen biết và tìm hiểu, chị A. và anh B. quyết định nắm tay nhau đi đến bến bờ hạnh phúc. Vì vậy hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để chứng kiến sự kiện này và chúc mừng cho đôi bạn trẻ”.
Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì dù có “sáo mòn” cũng còn chấp nhận được. Đằng này, sau khi “mở máy” nói, hầu hết các MC đều không “stop” được. Trong một đám cưới, khi thấy phía cô dâu chỉ có ba và bên phía chú rể chỉ còn mẹ, MC đã cao hứng “nhân ngày vui của đôi trẻ, hay anh xui, chị xui cũng làm luôn để gia đình mình được “song hỷ”! Cô dâu, chú rể và đôi bên thông gia đỏ mặt đã đành, họ hàng bên cô dâu cũng choáng váng không kém vì mẹ cô dâu thực ra vẫn còn sống, nhưng do phải ngồi xe lăn nên đã không thể lên sân khấu.
Một MC khác, sau mọi nghi thức trên sâu khấu đã kết thúc bằng một câu: “Chúng ta cho một tràng pháo tay để… “tiễn đưa” hai họ xuống sân khấu”. Còn anh H.Đ. đến giờ mỗi khi nhắc về MC đám cưới lại nhăn mặt lắc đầu. Tại đám cưới của anh, MC đã phán: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng của người phụ nữ. (Quay qua cha mẹ chú rể) Hai bác đây đã gắn bó với nhau đến bạc đầu, chắc gì hai bạn sống đời được với nhau lâu dài như ba mẹ…”.
Một công thức nữa cũng thường được các MC sử dụng đó là hỏi sơ qua quê quán của cô dâu, chú rể sau đó là “Bắc Ninh nơi không chỉ là cái nôi của quan họ mà còn là nơi cô dâu cất tiếng khóc chào đời, còn vùng đất đã sinh ra vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc cũng đã sinh ra chú rể của chúng ta. Đó là xứ Nghệ các bạn ạ. Nghe câu hát quan họ mà chú rể X. đã lặn lội đi tìm cô dâu Y. để hôm nay họ gặp nhau, tay trong tay đi vào cuộc sống mới…”. Khách mời biết cô dâu, chú rể rúc rích cười, Bắc Ninh và Nghệ An là nguyên quán của đôi bạn trẻ, cả hai đều được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, lấy đâu ra “nghe quan họ mà lặn lội đi tìm”.
Nhưng dù sao nghe quan họ để mà yêu nhau cũng còn thi vị hơn là nảy sinh tình cảm trên taxi… như lời giới thiệu của một MC nọ: “Một tối nọ, sau khi tan sở, chị H.N. đã lên một chiếc taxi để về nhà. Đó là dịp để chị và anh Đ.T. (tài xế taxi) quen nhau. Rồi tình yêu nảy nở giữa 2 người. Nhận thấy không thể sống thiếu nhau…”. Thêm một câu giới thiệu “nổi da gà”: “Tiếp theo chúng ta cùng hướng về... vòng hoa ở cuối hội trường để đón hai người hạnh phúc nhất đêm hôm nay...”.
Nói thôi, nhiều MC cũng đã khiến nhiều người choáng, đằng nói không chỉ nói, nhiều MC còn hành động. Khá phổ biến là hành động MC yêu cầu cô dâu, chú rể hôn nhau: “Để chứng minh tình yêu của mình, chú rể hôn cô dâu trước mặt bá quan đi!”. Có một cặp kia vì ngại ngùng nên không thực hiện yêu cầu của MC, tưởng được cho qua, nào ngờ: “Chú rể mà không hôn cô dâu là tôi… hôn à!”. Cô dâu T.A. kể lại lý do vì sao trong video đám cưới của cô không có cảnh rót rượu: “Chúng tôi đứng cách nhau hơi xa, nhưng thay vì nhắc, MC lấy tay kéo đầu vợ chồng tôi đụng nhau. Nhìn cảnh đó hết sức phản cảm, lúc làm VCD, tôi đã yêu cầu thợ cắt đi…”.
Chưa hết những câu chuyện… kể sau đám cưới. Những câu chuyện mà ai cũng bắt gặp những tình huống mình đã từng chứng kiến. Đám cưới là ngày vui, nhưng để niềm vui trọn vẹn, nhiều đôi bạn trẻ đã ước: “phải chi…”.
Bài 3: Những hạt sạn...
Sau nhiều năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, hình thức tổ chức đám cưới đã dần tiến bộ hơn. Theo chỉ thị, đám cưới nên tiết kiệm, văn minh, lành mạnh, tôn trọng những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, đồng thời bãi bỏ những hủ tục đòi thách cưới, môn đăng hộ đối và các hình thức xa hoa, lãng phí khác… đã được đông đảo người dân nghiêm túc thực hiện. Chuyện lớn cũng tạm ổn, nhưng những chuyện nhỏ cười ra nước mắt thì vẫn còn…
MC với... thơ thẩn!

Nhiều chiêu khuyến mãi dịch vụ cưới. Ảnh: Th.D.
Chẳng hiểu vì lý do gì mà các MC rất sính dùng thơ, ca, tục ngữ khi giới thiệu. “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... Có được ngày hôm nay chúng ta cũng như cô dâu chú rể không thể nào quên công ơn trời biển của cha mẹ. Sau đây mời ông bà… “.
Chỉ trong hai câu giới thiệu sau đây, một MC đã “nhuần nhuyễn” sử dụng tới 3 bài thơ: “Vâng, “trai khôn tìm vợ, gái khôn gả chồng”, “Dây trầu quấn lấy thân cau, từ nay ta là của nhau suốt đời”. Cô dâu và chú rể trao nhẫn cho bà con chứng kiến đi. “Nhẫn này là nhẫn vàng khâu, đôi ta mang nó thật lâu suốt đời...”.
Có MC còn tự sáng tác thơ: “Trời mưa ướt lá trầu vàng. Ướt anh anh chịu, ướt nàng anh thương. Trời mưa ướt lá trầu hương. Ướt anh anh chịu, ướt người thương anh buồn” và đây nhân vật chính của buổi lễ hôm nay: chú rể N.T.V và cô dâu N.T.T.H…”. Thậm chí, thời buổi này mà còn: “Chị A lấy được anh B, bõ công trang điểm má hồng… răng đen”. Những cụm từ như “Sông cạn đá mòn”, “Thuận vợ thuận chồng”, “Bách niên giai lão”... là những cụm từ mà đám cưới nào cũng gặp.
Dùng thơ ca thôi chưa đủ, nhiều MC còn chế tác, xuyên tạc ra những câu thơ “con cóc” đầy “gai góc” như: “Trăm năm trăm nẳm trăm nằm, đêm nay chắc chắn hai cằm chạm nhau”. Rồi thì cằm chạm nhau và… cái đó cũng chạm nhau. Bên này là giường đôi uyên ương trẻ, phòng bên kia là giường đôi uyên ương già. Đôi uyên ương già cũng sẽ không ngủ được vì cái chạm nhau đó làm họ rộn ràng, xao xuyến. Tôi nói thế có đúng không ạ, nếu được thì xin quan viên hai họ một tràng pháo tay. Xin cảm ơn, xin cảm ơn!”. (chuyện được kể từ một đám cưới vùng ven). Và còn “Chúc cô dâu, chú rể sống đến “Răng long đầu… trọc”. Đến đoạn giới thiệu khách hát góp vui thì: “Chim nào mà chẳng có lông. Sau đây bài “Lá diêu bông” bắt đầu”…
Và 1.001 chuyện cười từ khách mời
Tổ chức tiệc cưới ngày nay đã trở thành một công nghệ. Chỉ ngày thứ bảy, chủ nhật thôi, đi dự tiệc cưới ở Kỳ Hòa, nếu khách không quan sát kỹ tên cô dâu, chú rể và cả ảnh cưới (có trường hợp trùng tên) thì khả năng vô nhầm đám cưới là rất cao. Những nhà hàng sát cạnh nhau nằm một dọc dài trong khuôn viên Kỳ Hòa với chục đám cưới tổ chức một lúc, cô dâu, chú rể nào cũng trang phục, trang điểm như nhau.
Cũng đã có một vài trường hợp nhầm lẫn. Cô dâu H.L kể lại, tối đó khi về kiểm tra thùng tiền mừng đám cưới, cô phát hiện có 2 cái phong bì mà tên người gửi xa lạ với cả 2 vợ chồng. Còn một anh bạn thì kể rằng, mới gần đây, anh đi dự một đám cưới mà chỉ đến khi nhập tiệc anh mới nhận ra cả cô dâu lẫn chú rể đều… không quen. Tiền mừng đã bỏ vô thùng, không thể lấy lại được, anh đành kiếm 1 cái phong bì khác bỏ tiền, để bước sang phòng kế bên mới đúng là đám cưới anh cần dự.
Nói về hát hò trong đám cưới, một vấn nạn mà không ít chủ và khách phải chịu đựng đó là việc có nhiều vị khách hát dở mà thích lên hát. Tại đám cưới của chú rể N.N.T và cô dâu L.T.H, một bác gái đồng hương với bố mẹ cô dâu xin lên hát góp vui. Giọng bà ngọng “n” với “l”, hát lời đi đằng lời, nhạc đằng nhạc nhưng bà hát một hơi 4 - 5 bài không chịu xuống. Bài hát khiến thực khách ấn tượng nhất là “Cây trúc xinh” được bà thay tên “chị hai” bằng tên cô dâu và cứ thế bà cho bài hát quay vòng cả chục lần.
Chuyện hy hữu sau được một anh bạn kể lại “Trong cuộc đời đi dự đám cưới của tôi, có một đám cưới tôi ấn tượng nhất đó là đám cưới của con người bạn đồng nghiệp. Trong thiệp mời đám cưới có in thêm một câu: “Có truyền hình trực tiếp bóng đá”.
Chẳng là đám cưới trùng với trận chung kết SEA Games giữa Việt Nam và Thái Lan. Ba cô dâu vì sợ khách mê đá banh, bỏ đám cưới nên đã cho in trong thiệp câu đó, đồng thời yêu cầu nhà hàng Sinh Đôi bật 2 màn hình lớn để chiếu bóng đá.
Trong lúc cô dâu, chú rể và bố mẹ còn bận đón khách bên ngoài thì bên trong trận đấu bắt đầu. Toàn bộ đèn trong khán phòng được tắt đi… để khách tiện theo dõi. Sau 45 phút hiệp 1, trong 15 phút nghỉ giải lao, đèn bật lên, cô dâu chú rể tranh thủ lên sân khấu làm lễ.
Chưa kịp xong lễ, hiệp 2 bắt đầu, đèn lại tắt tối thui. Đám cưới cứ thế diễn ra, hai họ làm gì không cần biết, khách dán mắt lên màn hình và cũng định sau trận đấu sẽ ở lại vui cùng cô dâu, chú rể. Nhưng xui cho cả hai, đội tuyển Việt Nam lần ấy bị thua. Hết trận đấu, khách lục tục kéo về, hầu hết cánh đàn ông mặt mày “đằng đằng sát khí” như đi đánh nhau chứ không phải là dự đám cưới”…
Đám cưới không chỉ là ngày vui của cô dâu, chú rể mà còn là dịp gặp gỡ, tụ tập của bạn bè, dịp hội ngộ của bà con, thân tộc… Một vài hình ảnh không hay như giờ giấc, MC… là do ý thức của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Chuyện nhỏ nhưng mong sao sẽ dần dần được cải thiện tốt hơn để sự chê trách trong đám cưới sẽ ngày một giảm.
NHÓM PV VHVN