Nhưng không khó để nhận ra những tháng cuối cùng của năm, khi nhịp sống bắt đầu vội vàng hơn.
Đám trẻ đến trường bắt đầu nhăn mặt với bài kiểm tra, thi học kỳ. Người đi làm cũng chau mày với vô vàn báo cáo, tổng kết, kế hoạch cho năm tới. Người lao động bình dân hơn, trong những tất bật mưu sinh đâu đó lại có tiếng thở dài, khi tết sắp sửa cận kề mà chuyện mần ăn năm này chẳng mấy lời lãi…
Trong guồng quay đó, ai cũng có những nỗi niềm bận rộn, những tiếng thở dài của riêng mình. Một năm kinh tế chịu ảnh hưởng rõ rệt từ khủng hoảng trên toàn cầu, người lao động mất việc nhiều hơn, giữa những ngày muốn vội vàng để kiếm thêm chút đỉnh dành xài tết, thì người ta cũng khó mà xoay ra kịp công việc để đắp đổi.
Đường phố những ngày trôi về phía cuối năm |
Tôi bắt chuyến xe về nhà khá trễ, tài xế công nghệ cười đón khách như mếu: “Lẽ ra chuyến này em sẽ gọi lại xin khách hủy vì ra ngoại thành mà trễ quá, thì không có khách để quay lại… Nhưng sáng giờ chạy có mấy chục ngàn, bấm bụng nhận cuốc này luôn, chứ không là bữa nay đói, tết nhất tới nơi mà mần ăn oải quá”.
Chuyện của anh tài xế xe công nghệ có lẽ là câu chuyện chung của nhiều người trong những ngày này, muốn nhanh hơn cũng khó mà muốn cày thêm cũng không ra khách. Nhiều cung đường sầm uất trong thành phố một thời, giờ chỉ còn mỗi dịch vụ “cho thuê mặt bằng” hoặc “bán nhà”.
Mùa này, các hội nhóm thu gom đồ tái chế cũng kín lịch nhận đồ… Câu chuyện cuối năm vẫn lòng vòng quanh việc “dọn nhà, dọn lòng”. Người muốn gửi quần áo cũ đến những nơi xử lý hoặc bán lại cho các điểm tái chế tính theo cân nặng, người gom góp gọn gàng gửi đến các chuyến hàng từ thiện… Lựa chọn nào cũng có cái lý của từng cá nhân, nhưng dọn nhà chỉ cần một buổi hay một ngày làm siêng là xong, còn “dọn lòng” thì như cuốn tiểu thuyết mà không ai biết trang cuối cùng nằm ở đâu.
Cuối năm, là lúc thích hợp để mỗi người chiêm nghiệm lại hành trình của chính mình. “Điều gì làm chúng ta hạnh phúc? Liệu mình có còn thiết tha với công việc hiện tại? Làm sao để buông những gánh lo?”… là những câu hỏi mà ngày càng nhiều người trẻ chạm đến. Suy cho cùng thì hành trình nào cũng cần hạnh phúc và bình yên, mà những vòng xoáy vội vàng của công việc, học tập mỗi lúc khiến người ta thêm nhiều áp lực tinh thần.
Mùa của những vội vàng này, cũng là lúc người ta tất bật góp quà, góp tiền cho những tổ chức xã hội, nhóm thiện nguyện để những hoàn cảnh còn khó khăn cũng có một mùa xuân trọn vẹn hơn. Nhưng một năm nền kinh tế bộc lộ rõ khó khăn, chẳng biết rằng còn có đủ những tấm lòng vì nhau? Người gắng ở lại thành phố, kẻ tìm đường trở lại quê nhà, ai cũng có lựa chọn cho riêng mình. Nhưng quyết định vội vàng cho kịp ngày tháng cuối năm hay chậm lại để nhìn, để ngẫm, để lắng nghe nơi mình, đâu là giá trị để thiết tha… đều có những lý lẽ riêng.