Ông Đào Lân Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai, cho biết tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện hơn 17.000ha, trong đó cà phê kinh doanh trên 15.600ha, còn lại là tái canh. Năng suất năm nay chưa thống kê chính xác vì nhiều vườn cà phê đang trong quá trình thu hoạch. Nhưng theo đánh giá chung, năng suất năm nay giảm nhiều so với năm ngoái, ước tính toàn huyện giảm đến 2.000 tấn cà phê nhân.
Nguyên nhân chủ yếu do mưa kéo dài hơn 3 tháng nên vườn cà phê thiếu ánh sáng, quang hợp kém vào thời điểm quả phát triển, dẫn đến tình trạng rụng quả. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê, đánh giá năm nay ước tính cà phê mất mùa khoảng 15%.
Mất giá
Không chỉ sản lượng giảm, năm nay, giá cà phê cũng giảm khiến nông dân càng khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hợp cho biết, năm nay giá cà phê khoảng 35 triệu đồng/tấn nhân, giảm 15% - 20% so các năm trước. Với mức giá này, cộng thêm việc mất mùa thì nông dân không còn thu lợi bao nhiêu. Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), so với niên vụ 2017, giá cà phê xô hiện tại đã giảm 7 - 8 triệu đồng/tấn. Quy ra giá thị trường, cà phê tại Đắk Lắk chỉ còn 35,5 triệu đồng/tấn. Với giá này, người dân không đủ trang trải cho cuộc sống, nhiều hộ đã chuyển sang các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn khiến công ty bị ảnh hưởng đầu vào nguồn nguyên liệu.
Cùng với đó, tình trạng thiếu nhân công thu hoạch cà phê tại nhiều địa phương cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Những ngày qua, gia đình ông Trần Văn Toàn (ngụ xã Quảng Tiến, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk) tất tả chạy khắp nơi tìm nhân công để thu hoạch hơn 1.000 cây cà phê còn lại trong vườn nhưng vẫn không tìm được người nào. Theo ông Toàn, gia đình ông có 1.500 cây cà phê đã đến thời điểm chín rộ nhưng đến nay mới hái được 500 cây. Số còn lại không kịp hái lại gặp mưa nên quả rụng nhiều, gây hao hụt.
“Tôi đã nâng giá thuê cao hơn năm ngoái nhưng vẫn không có người nhận lời”, ông Toàn cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Trưởng Công an xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, tình trạng thiếu nhân công hái cà phê đang diễn ra trên địa bàn xã. Có gia đình không thuê được nhân công phải đưa cả vợ con ra rẫy vừa thu hoạch vừa giữ vườn cà phê. Ngoài ra, nhiều gia đình phải nhận nhân công không rõ lai lịch từ khu vực khác đến nên rất dễ xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự. Do đó, lực lượng công an xã luôn túc trực để quản lý chặt về nhân công tạm trú, tạm vắng trên địa bàn.
Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 (tỉnh Đắk Lắk), cũng do thiếu nhân công, cộng với tiền thuê nhân công cao nên nhiều hộ dân tiết kiệm bằng cách dồn sức thu hái một lần, hái cả những quả xanh, dẫn đến chất lượng cà phê giảm, ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu cà phê của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm - Thủy sản tỉnh Đắk Nông, cũng thừa nhận chất lượng cà phê hiện không đảm bảo là một trong những nguyên nhân khiến giá cả thị trường cà phê không ổn định.