Nỗi niềm chủ vườn cà phê
Những ngày này, ông Hoàng Văn Hùng (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đang chạy đôn chạy đáo tìm nhân công để thu hái nốt 500 cây cà phê còn lại. “Tôi đi kêu người khắp nơi nhưng không có. Dù đã nâng giá nhân công lên 280.000 đồng/ngày kèm ăn uống, cao hơn năm ngoái 30.000 đồng nhưng chẳng tìm được ai. Cà phê không có người hái bắt đầu rụng, gây thất thoát”, ông Hùng buồn bã nói.
Không chỉ gia đình ông Hùng, việc thiếu lao động thu hái đang là tình cảnh chung ở các vùng chuyên canh cà phê tại Lâm Đồng. Những năm trước, tới mùa cà phê, chủ vườn chỉ cần bỏ chi phí ra các bến xe là có thể thuê được người hái, nhưng năm nay tình hình trở nên khó khăn hơn. Nếu thuê được lao động từ địa phương khác thì chủ vườn phải chấp nhận chi thêm các khoản như tiền xe, tiền “cò” từ 300.000 - 500.000 đồng/người. Tại các địa điểm tập trung đông lao động từ các tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ như vòng xoay thị trấn Di Linh (huyện Di Linh), chợ Đinh Văn (huyện Lâm Hà), lượng lao động lên Lâm Đồng hái cà phê rất ít và đã có chủ, vừa bước xuống xe là chủ vườn đã chờ sẵn và “bốc” đi ngay.
Ngoài khó khăn về lao động, vụ thu hoạch cà phê năm nay mưa nhiều và kéo dài khiến việc thu hái, phơi sấy gặp khó, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Ông Đậu Văn Xuân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng), cho biết những ngày đầu tháng 12 vẫn xuất hiện mưa lớn khiến cho việc phơi cà phê gặp nhiều khó khăn. Địa phương có hàng chục điểm sấy cà phê tươi nhưng dù hoạt động hết công suất thì cũng chỉ đáp ứng được tối đa 10%, còn lại vẫn đang mỏi mòn trông chờ vào trời nắng để phơi.
Còn theo ông Nguyễn Minh Đường, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu nông sản Tây Nguyên (tỉnh Gia Lai), mưa nhiều như thời gian qua khiến việc thu hái, chế biến gặp khó và bất lợi. Nếu doanh nghiệp không đủ phương tiện, máy móc, sân bãi thì cà phê đổ đống, bị mốc, ảnh hưởng chất lượng, khó xuất khẩu, thậm chí bị trả hàng.
Giá sụt giảm
Năm nay, gia đình chị Bạch Thị Kim Thương (thôn 5, xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) thu được 7 tấn cà phê nhân trên diện tích 1,6ha. Thời điểm thu hoạch, giá nằm ở mức thấp trong nhiều năm qua là 36 triệu đồng/tấn nhân. Chị Thương cho biết, giá này lời không bao nhiêu nên dự định bán 1 tấn để trả tiền chi phí, số còn lại tích trữ chờ giá tăng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quảng (xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai) chuẩn bị tống vào kho 5 tấn cà phê nhân vừa phơi xong. “Để thu 5 tấn trên, tôi chi ra hơn 100 triệu đồng để mua phân, thuốc, trả công hái. Bây giờ giá rớt xuống 36 triệu đồng/tấn nhân, lời quá ít. Dù kẹt tiền nhưng tôi không bán mà cất kho, tính đi vay để trả tiền đầu tư, sau này cà phê có giá thì bán để trả nợ”, ông Quảng cho biết.
Ông Nguyễn Long Khánh, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Pứh (tỉnh Gia Lai), cho biết dân đã thu hoạch trên 50% diện tích cà phê. Với mức giá 36 triệu đồng/tấn nhân, đa phần dân hái xong tích trữ chờ giá. “Thực tế những năm qua trên địa bàn tỉnh có xảy ra tình trạng vỡ nợ khi ký gửi cà phê. Dân nếu không có kho bãi mà đi ký gửi nên lựa chọn những nơi uy tín, có tài chính tốt để tránh rủi ro”, ông Khánh khuyến cáo.
Dân găm hàng khiến các doanh nghiệp thu mua cũng gặp khó. Theo bà Huỳnh Thị Lệ Huyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Huyền Phát Gia Lai, năm nay công ty dự kiến mua khoảng 30.000 tấn nhân. Đến nay chỉ mới mua được 8.000 tấn. Trong số cà phê công ty đã mua hầu hết là mua cách đây nửa tháng, khi giá cà phê còn cao, từ 39 - 42 triệu đồng/tấn nhân. Khi giá tụt xuống mức 36 triệu đồng/tấn, dân có xu hướng trữ hàng, ít bán. Những hộ có bán chẳng qua do cần tiền trả công hái.
Tại Gia Lai, “cuộc chiến” giành giật nhân công thu hái cũng đang diễn ra từng ngày. Có mặt tại ngã ba La Sơn (xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai), chúng tôi bắt gặp 2 tốp lao động với khoảng 30 người đang ngồi bên vệ đường chờ chủ thuê đến chở vào vườn. Hành trang mang theo là áo quần, chiếu, cơm, gạo và lương khô. Nhóm của anh A Đơn có 7 người ở xã Ake, huyện Phú Thiện, nhận hái khoán thuê cho gia đình Long Trang (xã Trang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) với tiền công 90.000 đồng/tạ. Để chắc ăn, chủ thuê cho nhóm A Đơn nhận tiền cọc trước.